Thúc đẩy quyền tham gia của trẻ bằng nhân rộng mô hình Hội đồng trẻ em

Sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình trẻ em cấp tỉnh và 17 mô hình trẻ em cấp huyện và sẽ tiếp tục được nhân rộng.
Trẻ em tham gia thảo luận về chủ đề phát huy vai trò của thành viên Hội đồng trẻ em trong thực hiện quyền tham gia của trẻ em. (Ảnh: PV/Vietnam+)

50 thiếu nhi là thành viên Hội đồng trẻ em cấp tỉnh, cấp huyện và các em thiếu nhi tiêu biểu đến từ 41 tỉnh, thành phố và hơn 70 đại biểu là lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tham gia hội nghị tổng kết triển khai thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em giai đoạn 2017-2020 được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai 2 ngày 28-29/1.

Hội đồng trẻ em là mô hình thí điểm giai đoạn 2017-2020 được Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Mình thành lập theo tinh thần Quyết định số 1235/QĐ-TTg ngày 03/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Mô hình Hội đồng trẻ em nhằm thực hiện Luật Trẻ em và thực hiện có hiệu quả việc phát huy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em. Sau 3 năm triển khai, từ 5 mô hình thí điểm ban đầu, đến nay, cả nước đã xây dựng được 14 mô hình trẻ em cấp tỉnh và 17 mô hình trẻ em cấp huyện.

Trong khuôn khổ hai ngày của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về những vấn đề liên quan tới “Phát huy vai trò của thành viên Hội đồng trẻ em trong thực hiện quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em” và chủ đề “Phương pháp lấy ý kiến góp ý của trẻ em vào các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến trẻ em; công tác xử lý, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Hội đồng trẻ em với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể ở cơ sở”. Ngoài ra, các đại biểu còn tham gia kỳ họp lần thứ 7 Hội đồng trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh mở rộng.

Phát biểu tại hội nghị, Bà Nguyễn Thị Nga Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đánh giá cao kết quả đã đạt được của mô hình hoạt động Hội đồng trẻ em. "Mô hình này đã đjat được những kết quả cao hơn cả mong đợi. Ban đầu chỉ chọn thực hiện thí điểm tại 5 tỉnh, hiện đã có tới 14 tỉnh, thành phố có Hội đồng trẻ em. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của các tổ chức như UNICEF và Plan Việt Nam, hiện đã thành lập được 17 mô hình ở cấp quận, huyện”, bà Nga nói.

[Hội đồng Nhân quyền LHQ thảo luận về quyền của trẻ em]

Sau ba năm triển khai, mô hình Hội đồng trẻ em đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội về vai trò quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng; tạo cơ hội, môi trường, diễn đàn để trẻ em được phát huy quyền tham gia đến các vấn đề liên quan đến trẻ em. Trong thời gian tới, mô hình Hội đồng Trẻ em sẽ được tiếp tục phát triển và nhân rộng tại các tỉnh, thành phố khác trên khắp cả nước.

Bà Trần Thu Quỳnh, Trường Bộ phận Truyền thông và gây ảnh hưởng, Tổ chức Plan Việt Nam cho biết: “Sự phối kết hợp giữa cơ quan Quốc hội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Trung ương Đoàn và giữa ủy ban nhân dân, đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân và tỉnh đoàn tại cấp tỉnh/huyện là vô cùng quan trọng giúp đảm bảo mô hình hội đồng trẻ em có thể hoạt động hiệu quả và thực chất. Plan Việt Nam cam kết tiếp tục đồng hành cùng Trung ương Đoàn trong việc kiện toàn mô hình tạo tiền đề cho việc nhân rộng toàn quốc.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục