Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4/2019.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, chiều 10/7/2017, tại thành phố La Haye. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte sẽ thăm chính thức Việt Nam ngày 9/4/2019.

Điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả”

Việt Nam-Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Hiện nay, Hà Lan xem Việt Nam là đối tác ưu tiên; chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhận được sự ủng hộ, thống nhất cao của chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao. Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo và y tế.

Quan hệ Việt Nam-Hà Lan là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai bên phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực, ngày càng đi vào chiều sâu.

[Thủ tướng Vương quốc Hà Lan sẽ thăm chính thức Việt Nam]

Đáng chú ý, tháng 10/2010, hai nước đã thiết lập Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; tháng 6/2014, thiết lập Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực... Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.

Hai bên tích cực hợp tác tại các tổ chức, diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), ASEAN-Liên minh châu Âu. Hai nước ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc…

Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao bên lề các hội nghị lớn như Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos, Diễn đàn hợp tác Á-Âu tại Bỉ, Hội nghị Cấp cao ASEM 11 tại Mông Cổ, Hội nghị Thượng đỉnh An ninh hạt nhân lần thứ ba tại La Haye…; ủng hộ quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu…

Về vấn đề Biển Đông, Hà Lan có lập trường tích cực đối với các vấn đề an ninh, hòa bình, ổn định tại khu vực, nhấn mạnh các bên liên quan cần kiềm chế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hợp tác, tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; đề cao vai trò đang lên của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông cũng như đóng góp vào hòa bình và an ninh khu vực.

Năm 2011, trong chuyến thăm Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và năm 2014, trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, hai bên đã xác định 5 lĩnh vực hợp tác ưu tiên: Thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển và dịch vụ vận tải logistics.

Những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Hà Lan hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu.

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,84 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sản phẩm hóa chất, sản phẩm chất dẻo và nhập khẩu từ Hà Lan chủ yếu thực phẩm, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất, sản phẩm hóa chất, dược phẩm, sản phẩm chất dẻo.

Những năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính từ ngày 1/1/1988 đến 31/12/2018, đối với những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, Hà Lan xếp thứ 10/129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 318 dự án, trị giá hơn 9,3 tỷ USD.

Các dự án Hà Lan đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

Hợp tác hiệu quả trên nhiều lĩnh vực

Từ năm 2010, hai bên đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước. Đến nay, hai bên đã tổ chức 6 phiên họp Ủy ban liên Chính phủ trong lĩnh vực trên.

Tháng 4/2017, tại phiên họp gần nhất lần thứ 6 tại Hà Lan, hai bên đã trao đổi về phương hướng hợp tác, cập nhật và triển khai Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới như tái cấu trúc, xây dựng liên kết vùng, xem xét khả năng tiếp cận nguồn viện trợ của Quỹ Khí hậu xanh cho các dự án chuyển đổi, đánh giá tác động môi trường sinh thái của Kế hoạch, phát huy mô hình hợp tác công tư (PPP)…

Hai bên cũng đã trao đổi việc triển khai một số chương trình hỗ trợ phát triển khác của Hà Lan cho Việt Nam nhằm thay thế Chương trình Sáng kiến tăng cường năng lực giáo dục Hà Lan (Chương trình NICHE) và Chương trình hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng cho 45 nước đang phát triển trong đó có Việt Nam, tài trợ các lĩnh vực nước, dịch vụ xã hội và năng lượng (ORIO) đã hết hạn.

Hai bên nhất trí triển khai các dự án cụ thể và phương án tài chính cho Chương trình “Thành phố Hồ Chí Minh phát triển hướng ra biển, thích ứng với biến đổi khí hậu”, hợp tác giữa Hà Nội và Amsterdam liên quan đến sông Tô Lịch.

Hai bên trao đổi về việc triển khai dự án quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông Hồng – sông Thái Bình giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn 2050; đánh giá triển vọng của Chương trình Dữ liệu địa lý về nước và nông nghiệp tại Việt Nam.

Hà Lan nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch Đồng bằng sông Cửu Long và vai trò quan trọng của nông nghiệp đối với tương lai phát triển của khu vực.

Chủ tịch Phân ban Hà Lan khẳng định sẵn sàng trợ giúp và chuyển giao kỹ thuật cho Việt Nam phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte động thổ Dự án Trung tâm dịch vụ kho bãi của Công ty C.Steinweg Hải Phòng, chiều 17/6/2014, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về an ninh-quốc phòng, hai bên chủ yếu hợp tác thực hiện các hợp đồng đóng tàu quân sự với Tập đoàn Damen. Đoàn tùy viên quốc phòng Hà Lan khu vực châu Á đã thăm Việt Nam tháng 3/2016. Năm 2016, Việt Nam cử học viên tham gia hai khóa học gìn giữ hòa bình tại Hà Lan.

Đầu tháng 12/2016, đoàn quân sự Việt Nam thăm trao đổi kinh nghiệm với Trường Gìn giữ hòa bình Hà Lan để chuẩn bị cho việc Việt Nam tham gia các phái đoàn gìn giữ hòa bình và thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam.

Từ năm 2015 đến nay, phía Hà Lan đã hỗ trợ Việt Nam triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo nhằm nâng cao năng lực thực thi “Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác” tại Việt Nam…

Về giáo dục, Hà Lan giúp Việt Nam trong nhiều dự án gồm: Chương trình hợp tác liên đại học Việt Nam-Hà Lan, 2 chương trình học bổng (Chương trình học bổng của Chính phủ Hà Lan và Chương trình học bổng Huygens với số lượng từ 30-50 học bổng/năm). Tháng 8/2002, Hà Lan đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác đào tạo đại học.

Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo nghiên cứu chặt chẽ với các đối tác Hà Lan. Các ngành sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Lan gồm kinh tế, quản trị kinh doanh, kỹ thuật và công nghệ.

Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 170 sinh viên Việt Nam sang học tập tại Hà Lan ở các bậc cử nhân (46,3%), thạc sỹ (28,5%), tiến sỹ (14%) và các khóa học ngắn hạn khác.

Bên cạnh đó, hai bên cũng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu ngành hàng hải và đường thủy, hàng không, hợp tác ban đầu trong lĩnh vực hải quan. Các địa phương của Việt Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp hiện có hợp tác chặt chẽ và hiệu quả với các địa phương của Hà Lan.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte lần này cho thấy, Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Hà Lan và mong muốn nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên đối tác toàn diện nhằm thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hà Lan phát triển sâu rộng, hiệu quả hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục