Ngày 15/10, tại Quảng Ninh, đã diễn ra Hội thảo thường niên lần thứ 7 hợp tác Việt Nam-Campuchia-Lào, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC), Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào (LASS) phối hợp tổ chức.
Phát biểu tại hội thảo, giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh hội thảo thường niên là dịp để các nhà khoa học ba nước trao đổi, chia sẻ thông tin về những vấn đề mới, nóng hổi tác động đến sự phát triển của ba nước khu vực và quốc tế, đây cũng là hoạt động có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp thắt chặt quan hệ hợp tác thân tình giữa ba cơ quan, góp phần thúc đẩy quan hệ láng giềng đoàn kết hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện và bền vững lâu dài.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Bùi Nhật Quang cho biết trong lịch sử phát triển của khu vực và của mỗi nước, ba quốc gia luôn kề vai sát cánh bên nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, xã hội và chính trị, an ninh giữa ba nước được thúc đẩy mạnh mẽ, ngày càng gắn bó và tin cậy.
Hội thảo là cơ hội đặc biệt quan trọng cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các đại biểu từ ba nước cùng nhau nhận diện và đánh giá tác động của những nhân tố khu vực và quốc tế đến quan hệ hợp tác của ba quốc gia trên các phương diện và lĩnh vực khác nhau, từ đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác ngày càng vững mạnh, tiến lên một tầm cao mới, đảm bảo phát triển, hòa bình, thịnh vượng và bền vững cho mỗi nước và cho toàn khu vực.
Trải qua 30 năm, Việt Nam-Campuchia-Lào đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội.
Ba nước đã thiết lập được cơ chế "Tam giác phát triển," tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế, đóng vai trò quan trọng đưa tiến trình hợp tác ở tiểu vùng Mekong, Cộng đồng ASEAN cùng nhiều liên kết ở khu vực Đông Nam Á chuyển sang một giai đọạn phát triển mới.
Giáo sư, tiến sỹ Kyseryvath, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và nhân văn Campuchia cho rằng, hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt là Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) là sự phát triển kinh tế chủ yếu thông qua sự hài hòa thương mại quốc tế.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chương trình hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng được khởi xướng năm 1992 bởi các quốc gia Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam, nhằm tăng cường phát triển hợp tác kinh tế khu vực GMS và hợp tác kinh tế của các nước thành viên với sự hỗ trợ của ADB.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Lào, tiến sỹ Feuangsy Laofoung chia sẻ, việc phát triển kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong thời đại phát triển và hội nhập.
Giai đoạn phát triển mới đòi hỏi cả ba quốc gia cần tăng cường hợp tác kinh tế bền vững vì lợi ích của mỗi nước, đồng thời góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN ngày càng vững mạnh, ổn định và bền vững.
[Khai mạc Trại hè thiếu nhi 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia]
Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Huy Hoàng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (VASS) khẳng định, mối quan hệ kinh tế Việt Nam-Campuchia-Lào đã có bước phát triển vượt bậc trong những năm qua.
Cụ thể là trong quá trình hội nhập khu vực và thế giới, ba nước đã hỗ trợ nhau rất nhiều, quan hệ kinh tế ba nước góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư ASEAN, giúp mỗi nước có sự chuẩn bị đầy đủ cho tiến trình hội nhập.
Tuy vậy, các cơ chế Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng có thể có tác động chuyển hướng đầu tư và thương mại của ba nước, dẫn đến tính gắn kết nội tại của ba nền kinh tế có thể sẽ yếu đi.
Trong thời gian tới, để thúc đẩy và tăng tính hiệu quả trong hợp tác kinh tế giữa ba quốc gia Việt Nam-Campuchia-Lào, chính phủ ba nước cần tiếp tục thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển đầu tư kinh doanh; duy trì thường xuyên cơ chế đối thoại giữa các cơ quan của chính phủ ba nước; đẩy nhanh việc cập nhật và hoàn thiện các Hiệp định liên quan đến thương mại, đầu tư; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động thương mại và đầu tư giữa ba nước.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các nội dung về nhận diện bối cảnh mới trong mối quan hệ hợp tác của ba nước; đánh giá những hạn chế trong thời gian qua, đề xuất các định hướng, giải pháp trong thời gian tới... nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa của các mối quan hệ hợp tác trong quá trình phát triển kinh tế của mỗi nước./.