Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Australia đi vào thực chất, hiệu quả

Lãnh đạo Việt Nam và Australia nhiều lần khẳng định tầm nhìn chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bao gồm Biển Đông, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp Thủ tướng Australia Scott Morrison nhân chuyến tham dự Hội nghị cấp cao G20 tại Nhật Bản vào tháng 6/2019. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/8/2019.

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Australia phát triển mạnh mẽ, tin cậy chính trị ngày càng gia tăng thông qua trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Scott Morrison lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương hiệu quả, thực chất giữa Việt Nam và Australia.

Đối tác then chốt và hiệu quả

Đất nước Australia thuộc Khối thịnh vượng chung, nằm ở bán cầu Nam, bao bọc bởi Nam Thái Bình Dương ở phía Đông, Ấn Độ Dương ở phía Tây, biển Arafura ở phía Bắc và Nam Đại Dương ở phía Nam, có diện tích gần 7,7 triệu km2 (lớn thứ 6 thế giới), có đường bờ biển dài 25.760km.

Việt Nam và Australia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 26/2/1973. Sau hơn 45 năm, quan hệ hai nước đã có những bước phát triển tốt đẹp. Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009. Nhân chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (14-17/3/2018), hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược.

Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và Australia được đánh dấu bởi những chuyến thăm cấp cao và các cấp giữa lãnh đạo hai nước.

Gần đây nhất có các chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (tháng 3/2018); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (tháng 4/2018); Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (tháng 11/2018); Toàn quyền Australia Peter Cosgrove thăm cấp Nhà nước (tháng 5/2018); Chủ tịch Hạ viện Australia Tony Smith (tháng 7/2018), Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne (tháng 6/2019)...

Cùng với đó, hai nước đã thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động giai đoạn 2016-2019 và đang xúc tiến xây dựng Chương trình Hành động giai đoạn 2020-2022 để triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược.

Australia đánh giá Việt Nam là đối tác then chốt trong ASEAN, đồng thời là đối tác phát triển hiệu quả trong suốt quá trình đổi mới.

[Doanh nghiệp Việt Nam thúc đẩy hợp tác đầu tư kinh doanh tại Australia]

Các cơ chế hợp tác song phương được duy trì thường xuyên bao gồm các cuộc họp và tiếp xúc thường niên cấp Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, quốc phòng, kinh tế; đối thoại chính sách trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao, nông nghiệp, khoa học và đổi mới; các cơ chế tham vấn lãnh sự, luật pháp, viện trợ phát triển...

Hai bên hợp tác tốt trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng thông qua trao đổi đoàn, ký thỏa thuận hợp tác, hợp tác phòng chống tội phạm, quản lý xuất nhập cảnh, chống di cư bất hợp pháp, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, đào tạo tiếng Anh, thăm hải quân...

Hai bên đã ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo gìn giữ hòa bình và rà phá bom mìn (năm 2016). Australia hỗ trợ Việt Nam triển khai nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (năm 2018). Australia là nước duy nhất đặt đại diện thường trực tại Trung tâm phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia Việt Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh). Qua đó, hai bên thường xuyên trao đổi thông tin tình báo, hợp tác chống khủng bố, tội phạm ma túy, buôn người...

Australia là đối tác đối thoại lâu đời nhất của ASEAN, từ năm 1974. Hai bên thiết lập mối quan hệ Đối tác chiến lược năm 2014. Hiện nay, Australia ngày càng coi trọng và gắn kết mạnh mẽ, đặc biệt đề cao vai trò của Việt Nam tại khu vực này.

Về vấn đề Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam và Australia nhiều lần khẳng định tầm nhìn chung trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm Biển Đông, nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).

Thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại

Hiện nay, Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 4 của Australia trong ASEAN. Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng trung bình hơn 8,8% mỗi năm. Cụ thể, năm 2018, kim ngạch thương mại đạt 7,712 tỷ USD, tăng 19,3%; trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 4 tỷ USD, tăng 20,9% và nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, tăng 17,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, con số này là 3,84 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ 2018.

Tính đến hết tháng 6/2019, Australia có 458 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 1,86 tỷ USD, đứng thứ 20/131 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam cũng có 53 dự án đầu tư trực tiếp vào Australia với tổng giá trị đạt hơn 247 triệu USD. Nổi bật trong số này là dự án mua trang trại chăn nuôi gia súc trị giá 135 triệu USD của Tập đoàn TH.

Là một trong những đối tác song phương cung cấp ODA không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam (đạt trung bình 92,7 triệu AUD/năm kể từ 2013-2018), Australia đã viện trợ cho nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các địa phương của Việt Nam. Điển hình là dự án xây cầu Mỹ Thuận trị giá 90 triệu AUD; cầu Cao Lãnh trị giá 160 triệu AUD. Trong bối cảnh cắt giảm ODA nói chung, Australia vẫn tiếp tục dành ODA cho Việt Nam với tổng giá trị 78,2 triệu AUD trong năm tài khóa 2019-2020, tập trung vào các lĩnh vực cải cách kinh tế, nâng cao năng lực, bình đẳng giới và cải thiện sinh kế.

Những điểm sáng trong hợp tác

Giáo dục là lĩnh vực hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Australia cung cấp nhiều học bổng theo các chương trình dài hạn và ngắn hạn cho Việt Nam; có giai đoạn lên tới 400 suất/năm, hiện nay duy trì khoảng gần 100 suất/năm. Hiện có khoảng 31.000 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập tại Australia, trong đó 90% theo diện tự túc.

Bên cạnh đó, các trường đại học/học viện của hai nước đang có 18 chương trình liên kết đào tạo đang hoạt động. Đặc biệt, Chương trình New Colombo, một sáng kiến của Chính phủ Australia nhằm tăng cường trao đổi trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cho sinh viên Australia đang ngày càng thu hút nhiều học giả, sinh viên nước này tham gia thực tập ở Việt Nam. Tổng cộng giai đoạn 2015-2019 đã có gần khoảng 2.500 người Australia tham gia chương trình, tăng trung bình 20% mỗi năm.

Trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, hai nước đã công bố chương trình Đối tác Đổi mới Việt Nam-Aus4Innovation vào tháng 11/2017 và có nhiều dự án hợp tác hiệu quả trong lĩnh vực này.

Toàn quyền Australia Peter Cosgrove gặp gỡ các bác sỹ, sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam thuộc Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Ở lĩnh vực du lịch, hai bên bắt đầu triển khai Chương trình Lao động Kỳ nghỉ từ tháng 3/2015 cho phép công dân Việt Nam sang Australia du lịch kết hợp làm việc và đang xem xét tăng hạn ngạch (từ 200 người/năm hiện nay lên 1.500 người/năm).

Bên cạnh đó, số lượng khách du lịch Australia đến Việt Nam tăng đều qua các năm. Chỉ tính riêng năm 2018 đã có 386.934 lượt du khách Australia tới Việt Nam, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017 và đứng thứ 6/10 thị trường hàng đầu vào Việt Nam. Trong bốn tháng đầu năm 2019 có 14.997 lượt khách Australia tới Việt Nam, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Hiện nay, có khoảng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Australia, đứng thứ 5 trong số các cộng đồng sắc tộc gốc nước ngoài tại đây.

Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như: Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc.

Trong thời gian chuyến thăm Việt Nam, bên cạnh các cuộc hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam, dự kiến Thủ tướng Scott Morrison sẽ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp tiêu biểu hai nước, giao lưu với Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Học viện Quân y 103.

Chuyến thăm chắc chắn sẽ ghi một dấu ấn tốt đẹp trong quan hệ Việt Nam-Australia./.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục