Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và New Zealand

Việc Việt Nam được coi là đối tác quan trọng trong khu vực và là một nền kinh tế năng động, mở rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand, ngày 13/3/2018, trong chuyến thăm chính thức New Zealand. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-New Zealand, ngày 13/3/2018, trong chuyến thăm chính thức New Zealand. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam và New Zealand đã có những bước tăng trưởng đáng kể. Đặc biệt, hai nước đang trong quá trình nâng cấp quan hệ từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược và hai nước đều là thành viên tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Không chỉ vậy, việc Việt Nam được coi là đối tác quan trọng trong khu vực và là một nền kinh tế năng động, mở rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ thương mại trong tương lai giữa hai nước.

Đối tác toàn diện

Theo Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand; trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 15 vào thị trường này và là nước nhập khẩu lớn thứ 18 vào New Zealand.

Thống kê cho thấy chỉ riêng từ khi hai nước trở thành đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 3 lần trong 10 năm từ 320 triệu USD (năm 2009) lên hơn 1 tỷ USD (năm 2018) và dự kiến đạt mức 1,7 tỷ USD trong năm nay.

Hơn nữa, hai nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có nhiều lợi thế, bổ sung lẫn nhau. Bởi New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như may mặc, da giày, gỗ, nông sản nhiệt đới, thủy sản...

Ngoài ra, Việt Nam lại cần nhập khẩu từ New Zealand sữa và sản phẩm sữa, rượu vang, thịt cừu, trái cây, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Đáng lưu ý, tới nay New Zealand đã cấp phép nhập khẩu cho 3 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là xoài, thanh long, chôm chôm và Việt Nam đang đề nghị New Zealand tiếp tục cấp phép nhập khẩu cho quả chanh tươi và chanh leo.

[New Zealand coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong khu vực]

Trước đó, để quảng bá cho thương hiệu gạo Việt tại New Zealand, Thương vụ Việt Nam tại New Zealand, Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand đã phối hợp với Công ty Integrity Plus Limited tổ chức gian hàng triển lãm tại Hội chợ Go Green Expo 2018, Thủ đô Wellington, New Zealand nhằm quảng bá các sản phẩm xanh, sạch của Việt Nam tới người tiêu dùng New Zealand.

Ngược lại, Việt Nam cũng đã mở cửa cho doanh nghiệp New Zealand đưa vào thị trường khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo ENVY để thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Ông Keith Conway - Đại biện Lâm thời, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam, chia sẻ năm 2019, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng trưởng hơn 7%.

Cả 2 quốc gia đều nằm trong danh sách Top 20 đối tác thương mại của nhau, với mức thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần kể từ sau khi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ký vào năm 2009.

New Zealand hoan nghênh việc Hiệp định CPTPP đã được phê chuẩn giữa Việt Nam và các đối tác bởi đây là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện các quy tắc thương mại, góp phần thúc đẩy đầu tư và kinh doanh giữa hai nước.

Hiện tại, cả hai quốc gia đang đạt được những tiến bộ tốt khi vận dụng tối đa Hiệp định CPTPP. Tuy nhiên, để khai thác tốt hiệu quả các cơ hội, doanh nghiệp hai nước cần nâng cao hơn nữa nhận thức về Hiệp định CPTPP.

Ngoài ra, New Zealand cũng chủ động hỗ trợ các cơ quan Việt Nam đào tạo và tư vấn trong các lĩnh vực như mua sắm công và hải quan.

Theo ông Keith Conway, năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với cả hai nước. Đó là Việt Nam chủ trì Năm ASEAN 2020, kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ tham dự tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-New Zealand tại Đà Nẵng.

Đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luậnvà từ đó đưa ra những phương pháp mở rộng hợp tác hơn nữa giữa hai nước, nhất là lĩnh vực thương mại.

Gia tăng thị phần

Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi cho biết, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Australia-New Zealand đã ở giai đoạn cuối lộ trình xóa bỏ thuế quan. Do vậy, New Zealand hiện chỉ còn duy trì thuế nhập khẩu từ 3-10% đối với 240 dòng thuế và tiến tới xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu trong năm 2020.

Đặc biệt, với Việt Nam, New Zealand đã thực hiện điều chỉnh, cắt giảm thuế theo mã số HS8 và thời hạn điều chỉnh chia theo từng danh mục theo đúng lộ trình đối với các mặt hàng liên quan tới xuất khẩu của Việt Nam.

Các mặt hàng này bao gồm thiết bị điện, điện tử, đầu máy tính, sợi và len, hạt nhựa, may mặc, giày dép, cơ kim khí, vật liệu xây dựng, sắt thép, phụ tùng ôtô, máy nổ, máy phát điện, thủy sản, nguyên liệu da và nhiều nhóm hàng tiêu dùng khác theo từng giai đoạn.

Tuy nhiên, để tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu vào New Zealand, bà Lê Hoàng Oanh khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để sản phẩm xuất khẩu Việt Nam được biết đến trên thị trường New Zealand.

Cũng theo bà Lê Hoàng Oanh, hiện hai bên đang tích cực thảo luận để xây dựng dự thảo Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam-New Zealand từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới.

Đặc biệt, hai bên đã thành lập cơ chế hợp tác hiệu quả ở cấp Bộ là Ủy ban Hỗn hợp Kinh tế-Thương mại từ năm 2005, đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Thương mại hai nước. Hiện nay, hai bên đang tiếp tục phối hợp để xác định thời điểm tổ chức Kỳ họp lần thứ 7, dự kiến sẽ vào quý 4/2020 tại New Zealand.

Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) nếu được ký kết sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ người và chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu, lớn hơn nhiều so Hiệp định CPTPP.

Hiệp định RCEP kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cam kết.

Với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện, khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ NZD (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm nay là hoàn toàn có thể.

Đánh giá cao những đóng góp của New Zealand trong quan hệ kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và New Zealand nhưng để quan hệ thương mại song phương Việt Nam-New Zealand tăng trưởng mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị New Zealand hỗ trợ Việt Nam phát triển các lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với phát triển bền vững; các cơ chế hợp tác giữa hai nước như Ủy ban Thương mại Hỗn hợp cần phải hướng tới việc hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc hoàn tất đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định RCEP kỳ vọng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi giá trị mới và thu hút đầu tư nước ngoài từ New Zealand.

Bên cạnh các chương trình và định hướng chung về tăng cường hỗ trợ xây dựng năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc xây dựng thương hiệu, dỡ bỏ thuế, tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, Bộ Công Thương còn có các đề án lớn nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm xuất khẩu.

Bởi theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nếu muốn phát triển bền vững phải có những mặt hàng đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác và nước nhập khẩu về chất lượng, mẫu mã, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường.

Tuy nhiên, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp phải chủ động phát triển thị trường để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, đồng thời gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp phải xây dựng và triển khai các chiến lược kinh doanh hiệu quả để thâm nhập sâu hơn vào thị trường New Zealand và nâng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên mức cao hơn trong thời gian tới./.

Thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam và New Zealand ảnh 1
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục