Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa Belarus Aleksandr Grigorievich Lukashenko sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 8 đến 9/12.
Ngày 27/12/1991, Việt Nam công nhận độc lập của Belarus. Sau khi ký Nghị định thư thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 24/1/1992 tại Minsk, Belarus đã lập Đại sứ quán tại Việt Nam năm 1998 và Việt Nam lập Đại sứ quán tại Belarus tháng 10/2003. Tháng 3/2005, Việt Nam cử Đại sứ thường trú đầu tiên tại Belarus.
Việt Nam và Belarus kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp đã có giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao; hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại Liên hợp quốc, Phong trào không liên kết, các diễn đàn và tổ chức quốc tế khác.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều 8 tháng năm 2015 đạt 95,8 triệu USD. Việt Nam xuất sang Belarus thủy hải sản, đồ gỗ, hàng dệt may, giày dép, gạo, cao su tự nhiên, hạt điều, lạc, hạt tiêu, gia vị, chè, rau quả đóng hộp, dược phẩm, máy tính... và nhập khẩu phân bón, máy móc, thiết bị, linh kiện phụ tùng ôtô, máy kéo, ôtô tải, hóa chất...
Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật duy trì họp thường niên. Gần đây nhất, khóa họp 12 đã diễn ra tại Belarus từ ngày 26-27/10/2015.
Ngày 15/12/2014, Lễ tuyên bố về việc kết thúc cơ bản đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan (Nga-Belarus-Kazakhstan) đã được tổ chức tại Việt Nam.
Tháng 5/2015, Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Kinh tế Á-Âu ký chính thức Hiệp định thương mại tự do tại Astana, Kazakhstan.
Về giáo dục-đào tạo, Belarus đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, khoảng 70 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Belarus. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển, các tổ chức khoa học và công nghệ hai nước hợp tác chặt chẽ, nhiều dự án đã được triển khai và có kết quả tốt. Ủy ban hợp tác về khoa học và kỹ thuật Việt Nam-Belarus đã tiến hành được 8 khóa họp.
Hợp tác lao động là hướng hợp tác mới, triển vọng giữa hai nước. Các doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng với công ty xây dựng của Belarus đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Công trình xây dựng khu thể thao giải trí tại thủ đô Minsk. Hiệp định liên Chính phủ về làm việc có thời hạn của công dân hai nước trên lãnh thổ của nhau ký ngày 29/11/2011 đã có hiệu lực từ ngày 6/6/2013.
Bên cạnh đó, hợp tác giữa các địa phương hai nước được tích cực thúc đẩy, hai bên đã ký các văn kiện hợp tác giữa Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh với Minsk... Hai bên cũng đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh-quốc phòng, y tế, văn hóa-thông tin, thể thao-du lịch.
Cộng đồng Việt Nam ở Belarus có khoảng 1.500 người được chính quyền tạo điều kiện tương đối thuận lợi trong học tập, cư trú và kinh doanh theo pháp luật sở tại. Tháng 12/2006, Tổng thống A. Lukashenko cho phép những công dân Việt Nam đã lao động, học tập tại Belarus trước năm 1992 được định cư hợp pháp, lâu dài ở Belarus.
Trong những năm qua, hai nước đã ký nhiều hiệp định khung như: Nghị định thư về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Belarus (ký ngày 24/1/1992); Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Belarus về hợp tác kinh tế-thương mại (ký ngày 19/3/1992); Hiệp định giữa Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Cộng hòa Belarus về khuyến khích và bảo hộ đầu tư (ký ngày 21/6/1993 ); Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Belarus về hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông (ký ngày 16/5/2013)...
Chuyến thăm của Tổng thống Cộng hòa Belarus nhằm thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Belarus, đáp ứng yêu cầu phát triển của mỗi nước; duy trì trao đổi đoàn cấp cao nhằm củng cố quan hệ chính trị tin cậy giữa lãnh đạo hai nước, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Chuyến thăm cũng nhằm kiểm điểm tình hình triển khai những thỏa thuận cấp cao đã đạt được; trao đổi các biện pháp và phương hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu có hiệu lực; tiếp tục phối hợp hành động, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế./.