Thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng Việt Nam-Phần Lan

Quan hệ Việt Nam-Phần Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo.
Thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng Việt Nam-Phần Lan ảnh 1Lễ ký kết hợp tác đào tạo giữa Đại học Đông Á (Đà Nẵng) với Đại học Khoa học ứng dụng Satakunta (Phần Lan). (Ảnh: TTXVN phát)

Tiếp tục chuyến công tác tại châu Âu, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 10-11/9 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen.

Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, tiếp tục thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác sâu rộng Việt Nam-Phần Lan trên nhiều lĩnh vực.

Quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới năm 2021 của Liên hợp quốc, Phần Lan đứng thứ nhất và đã 4 lần liên tiếp giữ vị trí này.

Nằm ở khu vực Bắc Âu, Cộng hòa Phần Lan có khí hậu ôn đới lạnh, diện tích 338.424 km2, dân số hơn 5,5 triệu người. 

[Trao Kỷ niệm chương Vì hòa bình cho Đại sứ Phần Lan Kari Kahiluoto]

Phần Lan có nhiều ngành kinh tế mũi nhọn như viễn thông điện tử, công nghiệp gỗ giấy (69% diện tích là rừng, nguồn xuất khẩu quan trọng), đóng tàu và vận tải biển (phía Nam và Tây Nam là vịnh Phần Lan, biển Baltic và vịnh Bothnia)…

Do ít tài nguyên, nền công nghiệp Phần Lan phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô, nhiên liệu và phụ tùng. Thách thức chính nhằm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế Phần Lan là giảm chi phí lao động và tăng xuất khẩu.

Chính phủ Phần Lan hiện tập trung các biện pháp cải tổ hệ thống chăm sóc sức khỏe và dịch vụ xã hội, giải quyết vấn đề già hóa dân số, phát triển cơ sở hạ tầng, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Phần Lan luôn coi trọng chính sách viện trợ và hợp tác phát triển, coi đây là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình.

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Phần Lan

Việt Nam và Phần Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 25/1/1973. Quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt được hai nước duy trì và phát triển tốt đẹp. 

Hai nước đã trải qua một giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng từ hợp tác phát triển sang quan hệ đối tác bình đẳng dựa trên thương mại, đầu tư cũng như giao lưu nhân dân ngày càng sâu rộng.

Quan hệ Việt Nam-Phần Lan phát triển tích cực trên nhiều lĩnh vực, nhất là chính trị-ngoại giao, thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục và đào tạo.

Thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng Việt Nam-Phần Lan ảnh 2 Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm. (Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Hai bên tích cực duy trì trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương ở các cấp, hợp tác hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp. Lãnh đạo Việt Nam thăm Phần Lan có: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (5/2010); các Thủ tướng: Phạm Văn Đồng (5/1977), Võ Văn Kiệt (6/1995), Phan Văn Khải (9/1999), Nguyễn Tấn Dũng (9/2006); các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng (2008), Nguyễn Thiện Nhân (2009), Hoàng Trung Hải (9/2014); các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên (4/2010), Phùng Quốc Hiển (9/2016); Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (10/2017); Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (9/2019). 

Lãnh đạo Phần Lan thăm Việt Nam có: Tổng thống Tarja Halonen (2/2008); Thủ tướng Matti Vanhanen thăm chính thức (11/2009) và dự ASEM 5 (10/2004); Chủ tịch Quốc hội Sauli Niinistö (1/2010) và nhiều đoàn cấp bộ trưởng khác.

Bên cạnh đó, lãnh đạo cấp cao hai nước còn có các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị quốc tế.

Hai bên đã ký Hiệp định khung giữa hai Chính phủ về các dự án được tài trợ trong Chương trình đầu tư công của Phần Lan, tạo khuôn khổ cho việc triển khai các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi do Chính phủ Phần Lan tài trợ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội tại Việt Nam.

Hai bên cũng đã thống nhất và hoàn tất thủ tục sử dụng Quỹ quay vòng nước Phần Lan thuộc Chương trình nước và vệ sinh các thị trấn theo hướng giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay thực hiện Chương trình nước như mục tiêu ban đầu của Quỹ.

Hợp tác giáo dục giữa hai nước cũng có bước phát triển tốt đẹp, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam sang học tại Phần Lan.

Đồng thời, mô hình giáo dục của Phần Lan đang được áp dụng tại Trường quốc tế Việt Nam-Phần Lan thuộc Đại học Tôn Đức Thắng ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 2.000 sinh viên Việt Nam hiện đang học tập và phát triển kỹ năng nghề nghiệp tại Phần Lan. 

Phần Lan cũng đã thông qua Báo cáo đánh giá quá trình chuyển đổi ở Việt Nam vào tháng 6/2021, đánh dấu bước chuyển đổi mô hình hợp tác giữa hai nước từ hợp tác phát triển sang giai đoạn hợp tác cùng có lợi.

Đối với Phần Lan, Việt Nam là một cửa ngõ để phát triển quan hệ trong khu vực Đông Nam Á. Hai bên chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề quốc tế. Phần Lan ủng hộ chính sách đối ngoại của Việt Nam, góp phần vì hòa bình và ổn định, hỗ trợ thương mại tự do trong khu vực.

Bên cạnh đó, vai trò của Việt Nam trong ASEAN, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hiện nay cũng rất quan trọng đối với Phần Lan.

Kinh tế-thương mại-đầu tư là những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu của Phần Lan trong quan hệ với Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước liên tục tăng: Năm 2020 đạt 337,4 triệu USD; đến hết tháng 7/2021 đạt 348,8 triệu USD.

Phần Lan hiện có 29 dự án đầu tư có hiệu lực với tổng vốn đăng ký 23,632 triệu USD, đứng thứ 70/140 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.

Phần Lan liên tục dành viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 340 triệu USD, tập trung vào lĩnh vực cấp thoát nước, xóa đói giảm nghèo, thích ứng với biến đổi khí hậu, lâm nghiệp...

Những năm gần đây, do chính sách viện trợ phát triển của Phần Lan và do Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình, Phần Lan chỉ tiếp tục cung cấp viện trợ để Việt Nam hoàn thành hết các chương trình đang thực hiện.

Ngày 23/3/2017, Bộ Ngoại giao Phần Lan đã công bố Chiến lược quốc gia mới về hợp tác phát triển song phương giai đoạn 2016-2020 với Việt Nam, được xây dựng trên cơ sở quan hệ hai nước đang trong giai đoạn chuyển đổi, nhằm mục tiêu thay thế dần hợp tác phát triển bằng hợp tác cùng có lợi, dành ưu tiên nhiều hơn cho một số lĩnh vực thế mạnh của Phần Lan, gồm cung cấp nước sạch và an toàn, phát triển công nghiệp rừng, công nghệ và đổi mới sáng tạo, năng lượng và các giải pháp năng lượng sạch, giáo dục đào tạo, y tế...

Nhiều hoạt động quan trọng trong chuyến thăm

Trong chuyến thăm chính thức Phần Lan lần này, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ chào Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö, hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Phần Lan Anu Vehvilainen và hội kiến Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà, trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ trao đổi với các nhà lãnh đạo Phần Lan về quan hệ hợp tác song phương và các lĩnh vực hợp tác chiến lược; trao đổi phương hướng tăng cường hợp tác giữa Quốc hội hai nước trong khuôn khổ song phương và đa phương, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm; về ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững; sự ủng hộ của Chính phủ, Nghị viện Phần Lan với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại.

Hai bên cũng sẽ trao đổi về việc phối hợp chặt chẽ để khai thác tối đa các cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA); kiểm soát dịch COVID-19 gắn với phục hồi sau đại dịch, chuyển đổi nền kinh tế, trong đó có hợp tác cung cấp, nhượng và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc và các vật tư y tế liên quan tại Việt Nam.

Việt Nam đề nghị Phần Lan sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA), tiếp tục ủng hộ Việt Nam tăng cường quan hệ hợp tác toàn diện với Liên minh châu Âu (EU).

Trong khuôn khổ chuyến thăm sẽ diễn ra nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, kết nối doanh nghiệp hai nước, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Phần Lan.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục