Thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt-Trung

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Lý Cường và Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF (Hội nghị WEF Thiên Tân) từ ngày 25-28/6/2023.

Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Trung Quốc của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 7 năm.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước duy trì xu thế phát triển tốt đẹp, nhất là từ sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022); hợp tác kinh tế, thương mại và hợp tác trên các lĩnh vực khác tiếp tục phát triển và đi vào chiều sâu.

Tiếp tục cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao

Quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua duy trì xu thế phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực. Giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp diễn ra thường xuyên.

Trong năm 2022, trao đổi tiếp xúc cấp cao duy trì mật thiết với hình thức linh hoạt, nổi bật nhất là chuyến thăm chính thức Trung Quốc rất thành công của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11).

Ngoài ra, hai Tổng Bí thư hai Đảng cũng thường xuyên trao đổi thư, điện nhân dịp các sự kiện quan trọng của hai nước và quan hệ hai nước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có Thư chúc mừng gửi Chủ tịch Tập Cận Bình nhân dịp Trung Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 (ngày 4/2).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có hai lần điện đàm (13/1 và 19/9).

Hai bên đã tổ chức thành công Phiên họp thứ 14 Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc theo hình thức trực tiếp (13/7). Giao lưu, hợp tác trên kênh Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, giữa các bộ, ban, ngành, địa phương, đoàn thể nhân dân hai nước được triển khai thường xuyên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Từ đầu năm 2023 đến nay, Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các hình thức trao đổi, tiếp xúc linh hoạt. Tổng Bí thư hai Đảng trao đổi thư chúc mừng nhân dịp Tết Quý Mão 2023, trao đổi điện mừng cấp cao dịp kỷ niệm 73 năm Ngày thiết lập Quan hệ Ngoại giao hai nước (18/1).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có điện chúc mừng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhậm chức (ngày 2/3); Lãnh đạo cấp cao Việt Nam gửi điện mừng Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc được bầu tại Kỳ họp Lưỡng hội năm 2023.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính điện đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (ngày 4/4), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Ủy viên trưởng Nhân đại Trung Quốc Triệu Lạc Tế (ngày 27/3).

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thăm và làm việc tại Trung Quốc (25-28/4); Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc Vương Nghị gửi điện mừng đồng chí Trần Lưu Quang nhân dịp được bổ nhiệm giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ và đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo Hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc.

[Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng có ý nghĩa hết sức quan trọng]

Các cấp, các ngành, địa phương hai bên tích cực khôi phục hoạt động trao đổi đoàn sau khi Trung Quốc điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch. Cùng với đó, hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước duy trì đà tăng trưởng tốt. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên thế giới với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 là 175 tỷ USD.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8%, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm 15% tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9%; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 20,8 tỷ USD, giảm 26,5%.

Về đầu tư, trong 5 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt 1,08 tỷ USD với 156 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Lũy kế đến 20/5/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.720 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt gần 24,9 tỷ USD.

Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam). Từ tháng 2/2020, do dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.

Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội-Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng; tiếp tục cụ thể hóa và triển khai thực hiện kết quả chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có "Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” vào tháng 11/2022.

Cập nhật xu thế mới, thu hút đầu tư

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công-tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sỹ.

WEF hiện có khoảng 700 thành viên, đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau.

Sự kiện quan trọng nhất của WEF là Hội nghị thường niên được tổ chức vào tháng 1 hằng năm tại Davos, Thụy Sỹ. Bên cạnh đó là các diễn đàn khu vực: Hội nghị WEF Thiên Tân (hoặc Đại Liên, Trung Quốc),

Hội nghị WEF khu vực (WEF Đông Á, WEF ASEAN…). Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu-học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

Ngoài tổ chức các hội nghị, WEF thiết lập các nền tảng hợp tác công - tư với sự tham dự của các bên liên quan (Chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức quốc tế…) để tư vấn chính sách cho chính phủ.

Hội nghị WEF Thiên Tân do WEF phối hợp với Chính phủ Trung Quốc tổ chức hàng năm, có quy mô lớn thứ hai sau WEF Davos.

Với chủ đề "Doanh nghiệp: Động lực của Kinh tế Toàn cầu," Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF gồm hơn 100 phiên họp, tập trung vào các nội dung về điều chỉnh tăng trưởng, chuyển đổi năng lượng, nguyên liệu, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu tiêu dùng sau đại dịch, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, ứng dụng đổi mới sáng tạo.

Hội nghị dự kiến thu hút nhiều nhà lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế tham dự.

Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989. Thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam và WEF tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hợp tác giữa hai bên ngày càng thực chất, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như: Tư vấn chính sách vĩ mô, giảm rác thải nhựa, nông nghiệp bền vững, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số.

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội từ ngày 11-13/9/2018, Hội nghị WEF-Mekong lần đầu tiên ngày 25/10/2016 tại Hà Nội và Hội nghị WEF Đông Á từ 6-7/6/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, tại Hội nghị WEF Thiên Tân lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể; tham dự, phát biểu tại Phiên làm việc của các lãnh đạo về ngăn ngừa một thập kỷ mất mát; gặp Chủ tịch WEF Klaus Schwab cùng lãnh đạo WEF đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược Quốc gia Việt Nam-WEF; tiếp xúc song phương với lãnh đạo Chính phủ một số quốc gia và doanh nghiệp.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 14 của WEF là cơ hội để Việt Nam khẳng định nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước trên tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng; đồng thời thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường quan hệ với các tập đoàn toàn cầu, cập nhật những xu thế mới, tư duy phát triển-quản trị tiên tiến./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục