Thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền hiệu quả hơn

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm là luồng gió mới, tạo ra sinh khí mới để thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thực sự là luồng gió mới, tạo ra sinh khí mới để thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân nhanh hơn, hiệu quả hơn.

Trên đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh khi trao đổi với báo chí về bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra quan điểm chỉ đạo trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; thông qua vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở đảng và tính tiên phong cách mạng, gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên để nỗ lực thực hiện thành công Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới (Nghị quyết 27).

Tổng Bí thư khẳng định xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là biện pháp để thực hiện thành công công cuộc xây dựng Nhà nước chủ nghĩa xã hội đã được khẳng định trong Điều lệ Đảng, đó là “xây dựng nước Việt Nam độc lập, dân chủ, giàu mạnh, xã hội công bằng, văn minh, không còn người bóc lột người, thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội và cuối cùng là chủ nghĩa cộng sản.”

Đồng thời, đây cũng là biện pháp để thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, hướng tới hai mục tiêu chiến lược, mốc 100 năm thành lập Đảng (2030) và 100 năm thành lập nước (2045); thể hiện khát vọng, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, ổn định, phồn vinh.

Để sớm đạt được những mục tiêu này, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một giải pháp, cho nên phải tập trung nguồn lực và nỗ lực thực hiện.

Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phát huy sự vào cuộc thực chất và hiệu quả của cả hệ thống chính trị thông qua việc thúc đẩy và giải quyết hài hòa mối quan hệ của ba yếu tố: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Tư tưởng này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rất rõ trong bài viết.

Về phát huy sự lãnh đạo của Đảng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự chỉ đạo đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế với những cách làm mới, quyết liệt, khoa học. Theo đó, Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội.

Đồng thời, phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Chính phủ cần theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện những quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn, cản trở đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực đầu tư, sản xuất, kinh doanh để có biện pháp xử lý, không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế-xã hội.

Về Nhà nước quản lý, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần phải phát huy và vận dụng hài hòa giữa nguyên tắc “đức trị” và “pháp trị” trên tinh thần “đức trị” là sự phát huy các ưu điểm, thế mạnh, vị trí, vai trò của tổ chức cơ sở Đảng, tính tiên phong, nêu gương của cán bộ đảng viên để dẫn dắt yếu tố “pháp trị” là việc thực hiện quản lý xã hội bằng pháp luật.

Với cách nói ngắn gọn, đơn giản nhưng ý nghĩa của vấn đề này vô cùng to lớn: Đã là cán bộ, đảng viên trong hệ thống cơ quan hành chính Nhà nước thì phải gương mẫu đi đầu, bảo đảm sự thượng tôn pháp luật.

Thực tế đã chứng minh rằng nếu cán bộ, đảng viên làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, chủ động phát hiện, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ theo nguyên tắc thượng tôn pháp luật thì pháp luật sẽ đi vào cuộc sống, cải cách hành chính sẽ được bảo đảm, các “điểm nghẽn” được tháo gỡ, từ đó khơi thông nguồn lực phát triển.

Nếu cán bộ, công chức gương mẫu thì những bức xúc trong quy trình thủ tục hoặc sự chậm trễ, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm với người dân... sẽ không còn nữa.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư khẳng định sẽ không có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên thực tế nếu như cán bộ, đảng viên, cơ quan Nhà nước thờ ơ, thiếu trách nhiệm, vô cảm với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế-xã hội.

Về vấn đề nhân dân làm chủ, Tổng Bí thư nhấn mạnh để có dân chủ thực chất thì mọi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đức hy sinh vì sự nghiệp chung, chăm lo cho nhân dân được thực hiện đầy đủ các quyền, lợi ích hợp pháp theo nguyên tắc “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Nếu cứ nói dân chủ, nhưng cán bộ, đảng viên không gương mẫu, không hướng dẫn, tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện thì dân chủ ở đó chỉ là hình thức.

Để “Đảng ta là đạo đức, là văn minh,” sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng yêu cầu, mọi chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải vì nhân dân, bảo vệ nhân dân; mọi cán bộ, đảng viên phải là “công bộc của dân.”

Vậy thì, trong mọi công việc của mình, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Làm tốt điều này sẽ phát huy sự đồng thuận của người dân trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; từ đó thúc đẩy dân chủ, khuyến khích người dân tham gia tích cực hơn vào công tác quản lý nhà nước và xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045 theo mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 27.

Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Nhấn mạnh những nội dung mà Tổng Bí thư đề cập trong bài viết là tư tưởng lớn, hết sức thực tế để xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng cần xây dựng mô hình điểm ở một số địa phương với các mục tiêu, cách làm và kết quả cụ thể, trên cơ sở đó lan tỏa, nhân rộng trong toàn quốc, để việc xây dựng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực sự là một phương thức quan trọng giúp thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Đối với ngành tư pháp, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh đề nghị cần phát huy vị trí, vai trò của ngành Tư pháp, chủ động tham mưu với Chính phủ và các cấp ủy ở địa phương để tổ chức các hoạt động triển khai Nghị quyết 27 trên cơ sở nhận thức mới về tư tưởng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.

Một trong những mục tiêu cụ thể đến năm 2030 mà Nghị quyết 27 đề cập là “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo...”

Do đó, Bộ Tư pháp sẽ phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương và các Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện để hướng dẫn, lãnh đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng như các vấn đề của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến người dân và doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt việc tuân thủ pháp luật, đóng góp xây dựng thể chế.

Đối với tư pháp địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh cho rằng cần quan tâm đề xuất cấp ủy cùng cấp xây dựng kế hoạch hoạt động liên quan đến công tác tư pháp, pháp luật và xây dựng Nhà nước pháp quyền theo hướng gắn công tác tuyên giáo với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật trong xã hội; gắn công tác dân vận với vận động nhân dân chấp hành, tuân thủ pháp luật; hướng dẫn nội dung sinh hoạt chi bộ ở cơ sở về những nội dung liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân và những vấn đề tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, những vấn đề đặt ra cần hoàn thiện thể chế, đóng góp vào việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục