Thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội tại Việt Nam

Ngày 26/5, Đại hội lần 1 Hội đào tạo công tác xã hội Việt Nam, diễn ra tại Hà Nội. Cục trưởng Cục bảo vệ-chăm sóc trẻ em Nguyễn Hải Hữu làm Chủ tịch Hội.

Ngày 26/5, Đại hội lần thứ nhất Hội các cơ sở đào tạo công tác xã hội Việt Nam (gọi tắt là Hội đào tạo công tác xã hội Việt Nam) đã diễn ra tại Hà Nội.

Đại hội đã bầu ra ban chấp hành gồm 35 người. Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục bảo vệ và chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, được bầu làm Chủ tịch Hội.

Hội đào tạo công tác xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; trực thuộc Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam. Hội đào tạo công tác xã hội có trách nhiệm đoàn kết, tập hợp các cơ sở đào tạo công tác xã hội; phát huy, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên; liên kết, hợp tác trong nghiên cứu, xây dựng chương trình đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp giải quyết các yêu cầu đặt ra trong đào tạo công tác xã hội.

Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam nêu rõ: mặc dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực nhưng bất bình đẳng và các vấn đề xã hội bức xúc khác vẫn có xu hướng gia tăng.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy, Việt Nam thường xuyên có trên 30% dân số có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ công tác xã hội, điều đó đòi hỏi công tác xã hội phải được đặt trong chiến lược tổng thể: tăng trưởng kinh tế bền vững phải đi đôi với an sinh xã hội; công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội có tính chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ xã hội, bảo đảm quyền an sinh xã hội của mọi công dân theo Điều 34 của Hiến pháp năm 2013 là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Sự ra đời của Hội đào tạo công tác xã hội Việt Nam là cơ hội tốt để thay đổi, tiếp cận những quan điểm mới, tiến bộ về công tác xã hội đồng thời mở rộng hợp tác với Hiệp hội đào tạo công tác xã hội quốc tế, khu vực về phương pháp, chương trình, nội dung đào tạo tiên tiến, từng bước góp phần phát triển, đổi mới tổ chức đào tạo, giảng dạy và hành nghề công tác xã hội mang tính chuyên nghiệp.

Hiện cả nước có trên 40 cơ sở đào tạo công tác xã hội từ trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng nghề, đại học, sau đại học. Đến nay, 35 tập thể và 170 cán bộ, giáo viên đã đăng ký tham gia Hội. Đây cũng là yêu cầu khách quan, góp phần thúc đẩy phát triển nghề công tác xã hội ở Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục