Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng Bác Ái

61 năm qua kể từ ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, vượt qua nhiều thử thách, từng bước thay đổi để hôm nay Bác Ái khoác tấm áo mới.
Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng Bác Ái ảnh 1Đường giao thông Trung tâm huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Trong kháng chiến, huyện Bác Ái là một trong những khu căn cứ cách mạng quan trọng của tỉnh Ninh Thuận.

Phát huy truyền thống cách mạng, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, người dân nơi đây luôn đoàn kết, nỗ lực xây dựng quê hương và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Huyện Bác Ái được thành lập vào tháng 10/1950, với địa thế rừng núi hiểm trở và vị trí giao thông đặc biệt quan trọng có thể tiến công vào những vị trí hiểm yếu như Quân cảng Cam Ranh, sân bay Thành Sơn, Quốc lộ 1, đường sắt Bắc-Nam, Quốc lộ 27, đường sắt Tháp Chàm-Đà Lạt… Huyện Bác Ái từng là nơi các cơ quan đầu não của tỉnh Ninh Thuận đứng chân lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng.

Suốt những năm chiến tranh, đồng bào các dân tộc Raglai, Chu ru, K’ho… đã đoàn kết, hết lòng hết sức giúp đỡ cách mạng, sáng tạo ra các loại vũ khí thô như cung tên, hầm chông, bẫy đá… cùng Bộ đội biến núi rừng thành thế trận bao vây, tiêu diệt quân giặc.

Mảnh đất này đã sinh ra những người con đi vào lịch sử Quân sự Việt Nam như các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Pi năng Tắc, Pi năng Thạnh, Chamaléa Châu... đã lãnh đạo quân, dân địa phương anh dũng chiến đấu lập nên những chiến công hiển hách, góp phần giải phóng huyện Bác Ái sớm nhất miền Nam Việt Nam vào ngày 30/8/1960.

[Ninh Thuận thực hiện các giải pháp phòng dịch sau nới lỏng giãn cách]

Với những thành tích trong kháng chiến, huyện Bác Ái và 8/9 xã của huyện vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Toàn huyện có 10 tập thể và 4 cá nhân được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Để ghi nhận công lao đóng góp, tri ân đồng bào các dân tộc địa phương đã có công nuôi dưỡng, đùm bọc cách mạng, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 19/2/2020 công nhận huyện Bác Ái là vùng an toàn khu của Trung ương trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ.

Có dịp trở lại huyện Bác Ái vào những ngày cuối tháng Tám, chúng tôi chứng kiến sự thay đổi rõ rệt của một vùng căn cứ cách mạng năm xưa. Giờ đây, đường đi từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm lên huyện đã được rải nhựa thông suốt, hai bên đường làng mạc trải dài, rừng cây xanh tốt.

Những nếp nhà của đồng bào các dân tộc được xây dựng kiên cố, ngày càng khang trang hơn. Các công trình thủy lợi, năng lượng tái tạo được xây dựng trên địa bàn với quy mô lớn tạo thêm điểm nhấn trong bức tranh phát triển kinh tế của địa phương.

Ông Hồ Xuân Ninh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bác Ái cho biết 61 năm qua kể từ ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện không ngừng phấn đấu, cố gắng vươn lên, vượt qua nhiều gian lao, thử thách, từng bước thay đổi quê hương để hôm nay Bác Ái khoác lên mình tấm áo mới về nhiều mặt.

Là một trong 85 huyện nghèo của cả nước, Bác Ái có 9 xã thuộc khu vực III - xã đặc biệt khó khăn với 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Được sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và địa phương, từ năm 2014 đến nay, huyện đã triển khai Chương trình 30a của Chính phủ với tổng kinh phí phân bổ hàng trăm tỷ đồng, đầu tư trên 220 hạng mục công trình thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng Bác Ái ảnh 2Đồng bào Raglai xã Phước Đại, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận chăm sóc lúa. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Nhờ đó, đến nay, 100% đường liên huyện, xã, thôn được trải nhựa, cấp phối hoặc bêtông hóa. Trên 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia. 9/9 xã có trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế. Mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội của người dân được nâng lên đáng kể.

Cùng đó, thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững kết hợp xây dựng nông thôn mới, trong 5 năm qua, huyện Bác Ái đã triển khai 62 mô hình, dự án, trong đó có 33 dự án trồng trọt và 29 dự án chăn nuôi.

Huyện kết hợp triển khai 28 mô hình khuyến nông hỗ trợ các địa phương chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển mô hình trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi, sầu riêng, dưa lưới, thanh long, chuối Nam Mỹ, cây dược liệu, bắp lai, mỳ cao sản; phát triển chăn nuôi bò, dê, cừu, heo.

Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh triển khai các chính sách giao khoán bảo vệ, phát triển rừng, xây dựng mô hình sinh kế tạo việc làm, hỗ trợ người dân tăng thu nhập, giảm áp lực phụ thuộc, xâm hại tài nguyên rừng.

Để đảm bảo nguồn lực phát triển, giai đoạn 2015-2020, huyện Bác Ái huy động tổng vốn đầu tư trên 1.100 tỷ đồng từ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương để phát triển kinh tế-xã hội; đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất...

Các chương trình, dự án đầu tư đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 15%; nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng năm 2020. Với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và người dân, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm trên địa bàn huyện giảm 5,9%. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 28,75%.

Thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng căn cứ cách mạng Bác Ái ảnh 3 Dự án Nhà máy Điện mặt trời Thiên Tân Solar Ninh Thuận đầu tư tại xã Phước Trung, huyện Bác Ái. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Song song với phát triển kinh tế-xã hội, cấp ủy Đảng và chính quyền huyện Bác Ái luôn chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường đảm bảo quốc phòng-an ninh; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc để tạo nền tảng vững chắc đưa huyện phát triển nhanh và bền vững.

Qua 20 năm tái lập đạt nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Bác Ái đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có thành tích xuất sắc trong trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bác Ái Hồ Xuân Ninh cho biết, hiện nay, trước tình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Bác Ái đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để bảo vệ vững chắc “vùng xanh” trên địa bàn toàn huyện. Đồng thời, huyện tập trung huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Trong năm 2021, huyện Bác Ái chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ đột phá như đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển; thu hút đầu tư năng lượng tái tạo; phát triển du lịch sinh thái, văn hóa bền vững. Để thực hiện, huyện Bác Ái tranh thủ thu hút nguồn lực từ Trung ương và địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi thu hút các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đầu tư trên địa bàn.

Huyện xác định một số chỉ tiêu phát triển về tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất bình quân hàng năm từ 12% trở lên; diện tích gieo trồng đạt 11.200ha; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5%/năm; có 95% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ che phủ rừng đạt 57%. Các chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư phát triển.

Diện mạo vùng căn cứ cách mạng Bác Ái đang đổi thay từng ngày. Nhiều chương trình, dự án được đầu tư với quy mô lớn trên địa bàn như dự án thủy lợi Tân Mỹ; dự án thủy điện tích năng Bác Ái; các dự án năng lượng tái tạo; nông nghiệp công nghệ cao… đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục