Khu vực bãi Thịt nằm trong vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học: Cần liên kết huy động tài chính

Để phát triển kinh tế đa dạng sinh học, Việt Nam cần duy trì sự kết nối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế cùng với việc huy động nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế công và tư nhân.

Theo bảng xếp hạng của World Population Review năm 2024, Việt Nam xếp thứ 14 và thuộc nhóm 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng các hệ sinh thái do áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, gia tăng dân số, chuyển đổi sử dụng đất, khai thác tài nguyên, cùng với ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Vì vậy, để đảm bảo "vốn tự nhiên" trong phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng sự kết nối lâu dài giữa các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng với việc huy động các nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế công và tư nhân sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tích cực vào quá trình bảo tồn thiên nhiên.

Cần phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo

Giới thiệu tổng quan về bức tranh đa dạng sinh học của Việt Nam, tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam” diễn ra vào chiều 7/11, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm.

Trong nhiều năm qua, đa dạng sinh học có đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam hiện đang đứng trước không ít thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Thực tế cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn do những tác động đến từ thực trạng chuyển đổi đất, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Trước thực trạng trên, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các công ước quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học đồng thời ban hành các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên,” ông Thọ nói.

Gần đây, tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh: “Ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển.” Cam kết này được thể hiện trong Quyết định số 149/QĐ-TTg Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với trọng tâm phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Với việc chủ động tham gia vào các công ước quốc tế, cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả. Tuy vậy ông Thọ cũng lưu ý để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đa dạng sinh học, việc quan trọng là duy trì sự kết nối và huy động nguồn lực.

“Do đó, hội thảo này là cơ hội tốt để tăng cường sự kết nối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế, cùng với sự huy động nguồn lực tài chính từ khu vực công và tư nhân, qua đó góp phần tích cực vào công cuộc bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cho các thế hệ sau,” ông Thọ nhấn mạnh.

Cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Duy trì sự kết nối và huy động nguồn lực

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đa dạng sinh học, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley nhấn mạnh Vương quốc Anh rất vinh dự được tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hành trình xây dựng một nền kinh tế bền vững.

“Hội thảo thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học (do Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Anh, Trường Đại học Nghiên cứu Công lập Exeter Anh Quốc và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam tổ chức) là dịp để thể hiện cam kết chung của 2 quốc gia trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và suy giảm các môi trường sống tự nhiên, đồng thời tăng cường mối quan hệ đối tác lâu dài,” ông Marcus Winsley nói.

Nêu ý kiến tại hội thảo, Giáo sư Lisa Roberts, Hiệu trưởng Đại học Exeter cũng nhận định Hội thảo "Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam" là minh chứng cho sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu như suy thoái tài nguyên thiên nhiên.

Theo Giáo sư Lisa Roberts, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ là “chìa khóa” để góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, mà còn đảm bảo phát triển kinh tế xanh bền vững. Trong thời gian tới, bằng cách kết hợp thế mạnh chuyên môn giữa Trường Đại học Exeter Anh Quốc về kinh tế đa dạng sinh học với các đối tác, Việt Nam có thể đề ra các giải pháp vừa bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế cũng đã thảo luận về việc xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như xây dựng các chương trình hợp tác nhằm tối ưu hóa nguồn lực huy động cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam. “Vì thế, chúng tôi đã và đang hợp tác với Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu và đề xuất các cơ chế tài chính phù hợp với định hướng của chính phủ cũng như mục tiêu chung của quốc gia,” ông Dominic Scriven nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục