Thúc đẩy phát triển du lịch cuối tuần ở các vùng giáp ranh đô thị lớn

Đời sống được nâng cao, nhu cầu vui chơi giải trí vào dịp cuối tuần của người dân ngày một lớn - đây là cơ hội để các vùng ngoại ô, giáp ranh đô thị đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch cuối tuần.
Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Oceanami, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Các khu đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... luôn có mật độ dân cư khá lớn. Những ngày trong tuần, người dân mải miết trong guồng quay của công việc và đến cuối tuần, rất nhiều người trong số họ có nhu cầu đi nghỉ dưỡng, du lịch ngắn ngày để tái tạo năng lượng.

Đây chính là cơ hội để loại hình du lịch cuối tuần ở các vùng giáp ranh đô thị phát triển và hút khách.

Nhu cầu du lịch ngắn ngày dịp cuối tuần

Cuối tuần là thời điểm mà các gia đình xả hơi sau một tuần lao động mệt nhọc. Chính bởi vậy, nhu cầu vui chơi giải trí vào dịp cuối tuần của người dân ngày một tăng cao.

Sóc Sơn, Tam Đảo, Ba Vì (Hà Nội), Đại Lải (Vĩnh Phúc), Mai Châu (Hòa Bình), Tràng An (Ninh Bình).... là những điểm đến cuối tuần thu hút khá nhiều người dân Hà Nội tìm đến xả hơi sau một tuần bận rộn. 

Không tốn nhiều thời gian di chuyển, người dân dễ dàng được tận hưởng những khoảnh khắc sống chất lượng mà chi phí lại không quá cao.

Các sản phẩm của loại hình du lịch cuối tuần khá đa dạng, du khách được phục vụ các nhu cầu vui chơi, giải trí, sinh thái-nghỉ dưỡng, thể thao, tham quan di tích lịch sử văn hóa, thưởng thức ẩm thực kết hợp mua sắm.

Nằm giáp ranh Hà Nội, với thời gian di chuyển chỉ 45 phút, Hòa Bình đang là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô vào các dịp nghỉ lễ hoặc cuối tuần.

Tỉnh Hòa Bình hiện có 296 điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó hơn 70 hang động chứa đựng những di chỉ khảo cổ của nền “Văn hóa Hòa Bình” thời tiền sử nổi tiếng thế giới cách đây hàng chục vạn năm.

Nguồn nước khoáng ở huyện Kim Bôi, Lạc Sơn, Yên Thủy thuộc 2 nhóm nước khoáng Bicabonat, Sunfatcanxi nguồn gốc hòa tan, rất có giá trị để phát triển các khu du lịch nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, 4 khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn- Ngổ Luông, Hang Kia- Pà Cò, Thượng Tiến, Phu Canh lại rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch mạo hiểm, sinh thái, nghỉ dưỡng…. Bên cạnh đó, dịch vụ homestay đã và đang chứng tỏ sức hút của mình với các du khách ưa trải nghiệm.

[Vườn quốc gia U Minh Thượng - khu rừng độc đáo, quý hiếm trên thế giới]

Ở phía Nam, các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu... với lợi thế giáp ranh Thành phố Hồ Chí Minh, cũng rất thuận lợi để phát triển mạnh sản phẩm phù hợp với loại hình du lịch cuối tuần.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể Thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Khoa Hải cho biết, Bình Dương tiếp giáp 4 tỉnh, thành phố cùng nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước.

Đây là những địa phương có thể mang tới lượng lớn du khách có nhu cầu du lịch ngắn ngày dịp cuối tuần đến Bình Dương. Đó là chưa kể lượng lớn du khách tiềm năng là người dân địa phương mà trong đó có tới trên 1,3 triệu lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đải Lải, Vĩnh Phúc - nơi thu hút nhiều du khách đến nghỉ ngơi cuối tuần. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái dịp cuối tuần và vui chơi giải trí đáp ứng nhu cầu của khách du lịch từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vùng Đông Nam Bộ đang được coi là sản phẩm du lịch chủ yếu của Bình Dương.

Trên địa bàn tỉnh có nhiều điểm đến hấp dẫn, phù hợp với những kỳ nghỉ cuối tuần như miệt vườn Lái Thiêu (huyện Thuận An), Khu du lịch sinh thái núi Cậu-hồ Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng), khu Du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam (thành phố Thủ Dầu Một), công viên văn hóa nghỉ dưỡng mắt Xanh (huyện Tân Uyên)...

Tỉnh Đồng Nai cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh loại hình du lịch cuối tuần.

Theo Trung tâm Xúc tiến du lịch Đồng Nai, ngoài lợi thế về phát triển công nghiệp, tỉnh còn có thế mạnh lớn về phát triển du lịch, nổi bật là du lịch sinh thái.

Tài nguyên du lịch của tỉnh rất đa dạng với 21 khu, điểm du lịch tham quan, vui chơi giải trí, di tích lịch sử, tín ngưỡng… Trong đó, có thể kể đến Vườn quốc gia Cát Tiên đã được quy hoạch là điểm du lịch quốc gia.

[Photo] Những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đi du lịch Cà Mau

Đây là khu bảo tồn thiên nhiên nằm trên địa bàn 5 huyện gồm Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai) Cát Tiên, Bảo Lâm (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước).

Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có nhiều điểm đến như: Hồ Trị An, khu di tích Chiến khu D (huyện Vĩnh Cửu), khu du lịch Thác Giang Điền (huyện Trảng Bom), điểm du lịch Thác Ba Giọt (huyện Định Quán), làng bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu).

Linh hoạt các giải pháp

Để có thể phát triển loại hình du lịch cuối tuần, mỗi địa phương cần có những sản phẩm, dịch vụ du lịch đáp ứng nhu cầu của khách nghỉ dưỡng, đồng thời đẩy mạnh quảng bá một cách sinh động để thu hút cư dân sinh sống ở các đô thị lân cận chọn là điểm đến vui chơi, nghỉ dưỡng thường xuyên.

Theo nhiều chuyên gia, tuy có lợi thế gần Hà Nội, đường đi thuận tiện nhưng sản phẩm du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc hiện vẫn chưa phong phú, chưa có nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, tạo được sự đa dạng để hấp dẫn du khách.

Hoạt động đi xúc tiến quảng bá, du lịch Vĩnh Phúc mới chỉ có sản phẩm thô là những danh lam thắng cảnh, di tích sẵn có để mời chào du khách, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số loại hình du lịch như du lịch mạo hiểm, du lịch đồng quê chưa tạo được nét độc đáo, hấp dẫn…

Để tập trung phát triển du lịch, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 trở thành trung tâm du lịch của khu vực phía Bắc, thu hút 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa, với doanh thu 2.600 tỷ đồng; năm 2030 thu hút 150.000 lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa, doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Hiện, Vĩnh Phúc đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch với 2 sản phẩm mũi nhọn đang thu hút được nhiều du khách là du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội.

Một góc hồ Đại Lải, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, hạ tầng giao thông, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư; tăng các tuyến phục vụ du lịch từ Vĩnh Yên đi Tây Thiên, Tam Đảo, Đại Lải, tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch cuối tuần;

Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga và nước trong khối ASEAN, từng bước xây dựng thương hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Chương thừa nhận ngành du lịch của tỉnh phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng. Đặc biệt, sản phẩm du lịch chưa đa dạng, phong phú và thiếu hấp dẫn.

Với tiềm năng giá trị là bản sắc dân tộc và cảnh quan thiên nhiên nhiên tươi đẹp, tỉnh Hòa Bình sẽ xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, đặc biệt tập trung đưa ra những giải pháp cụ thể, linh hoạt để Hòa Bình thực sự trở thành một điểm đến du lịch cuối tuần lý tưởng cho du khách bốn phương.

Phó Giáo sư Phan Thị Hồng Xuân, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, dù loại hình du lịch cuối tuần đã tồn tại và phát triển ở Bình Dương từ hơn 10 năm trở lại đây song hiện nay, các kế hoạch về quy hoạch du lịch ở địa phương hầu hết còn mang tính ngắn hạn, chưa có chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt là đối với hình du lịch cuối tuần mà địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế.

Bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia phá triển mạnh về du lịch cho thấy, trước khi hoạch định một kế hoạch nào đó, cơ quan chức năng, doanh nghiệp du lịch thường trải qua quá trình nghiên cứu kỹ khả năng đáp ứng của ngành du lịch, thị trường, thị hiếu du khách. Sau đó thu thập thông tin, dữ liệu về mọi mặt và phân tích, tổng hợp để có được kế hoạch phát triển du lịch có tầm nhìn dài hạn, hướng đến phát triển bền vững.

Tỉnh Bình Dương sở hữu nhiều làng nghề như gốm sứ, tranh sơn mài, tranh kính nổi tiếng. Tuy nhiên, một số chủ xưởng sản xuất ở các làng nghề chia sẻ rằng, các sản phẩm của họ sản xuất chủ yếu theo đơn đặt hàng, xuất ra nước ngoài chứ không làm dư để trưng bày hay bán lẻ trong nước và không ký gửi giới thiệu, bày bán tại khu du lịch, điểm tham quan trên địa bàn tỉnh.

Thực trạng này đang làm hạn chế cơ hội tiếp cận của du khách, đặc biệt là du khách nội địa đối với sản phẩm quà lưu niệm. Do đó, Bình Dương cần tăng cường khai thác đa dạng các sản phẩm du lịch, trong đó chú trọng đến sản phẩm qùa lưu niệm từ làng nghề truyền thống để mang đến cảm giác mới lạ, không đơn điệu, nhàm chán cho du khách.

Ngoài những điểm đến đã được người dân địa phương và các tỉnh lân cận quen thuộc thời gian qua, Bình Dương nên đầu tư, khai thác đa dạng hơn sản phẩm như, du lịch mạo hiểm phù hợp với kỳ nghỉ ngắn ngày để thu hút du khách nhiều hơn. Đặc biệt những du khách là người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lân cận.

Quan tâm đến giải pháp tăng cường thông tin, quảng bá các sản phẩm du lịch, đề cập về du lịch Đồng Nai - địa phương có nhiều điểm đến được du khách lựa cho những chuyến nghỉ dưỡng ngắn ngày, Tiến sỹ Nguyễn Đức Trí, Viện trưởng Viện Du lịch (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) gợi mở, ngày càng có nhiều du khách chủ động tìm kiếm thông tin liên quan qua các chuyến đi thay vì dựa trên thông tin tour của công ty tiếp thị như trước đây.

Do đó, việc Đồng Nai phát triển các kênh thông tin, quảng bá du lịch thông qua ứng dụng công nghệ là cần thiết. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin du lịch qua ứng dụng cần chú trọng hơn nữa cụ thể hóa thông tin về lịch trình, vé tàu xe, địa điểm ăn uống, lưu trú, trung tâm mua sắm.

Các đơn vị cũng cần lưu ý việc trao đổi thông tin qua những diễn đàn du lịch bởi du khách đang chuyển sang xu hướng đánh giá, cập nhật thông tin du lịch lẫn nhau thông qua kênh bình luận, đánh giá để lựa chọn điểm đến.

Liên quan tới việc giới thiệu, quảng bá, tạo thuận lợi cho du khách khi thực hiện mỗi chuyến du lịch, nhất là với đối tượng du khách tự tổ chức nhóm, gia đình đi du lịch ngắn ngày đến những địa điểm không quá xa so với nơi cư trú, các chuyên gia du lịch lưu ý các địa phương có thế mạnh phát triển loại hình du lịch này cần chú trọng nhiều hơn tới hình thức quảng bá như, thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội, đặc biệt là hình thức truyền miệng giữa du khách với nhau.

Đây là hình thức quảng bá nhanh chóng, tiết kiệm chi phí song lại có thể đạt hiệu quả cao nếu điểm đến đã tạo sức hút đối với những du khách từng có cơ hội trải nghiệm và mong muốn lan tỏa, bày tỏ sự hài lòng của mình về kỳ nghỉ, chuyến đi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục