Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tiếp cận phù hợp nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước. Do vậy trong thời gian tới, các tổ chức, hộ gia đình, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Đây là thông điệp chính được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024, do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng 10/12, tại Hà Nội.
Ưu tiên phát triển kinh tế tuần hoàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và suy giảm hệ sinh thái tự nhiên đã và đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng và kéo dài trên toàn cầu, đe dọa không chỉ tới sự phát triển bền vững của xã hội mà còn tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, sinh kế và an ninh (liên quan đến lương thực, nguồn nước, môi trường sống,…) của con người.
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những tác động nặng nề của khủng khoảng khí hậu và ô nhiễm môi trường, tại Hội nghị COP29 với chủ đề “Đoàn kết vì một thế giới xanh,” các nguyên thủ quốc gia, các học giả và tổ chức quốc tế đã cùng nhau thảo luận và đạt được những cam kết quan trọng nhằm thực hiện hóa mục tiêu giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050.
Độc đáo xe đạp hoa làm từ rác tái chế tại Festival hoa Đà Lạt
Ngày 30/11/2024, tại quảng trường Lâm Viên, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức Hội thi “Trang trí xe đạp hoa từ vật liệu tái chế,” chào mừng Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10-năm 2024.
Là một bên tham gia tích cực và có trách nhiệm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong những năm qua, Việt Nam đã chủ động xây dựng, ban hành nhiều cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.
Theo đó, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên của Chính phủ Việt Nam. Tại Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, cũng đã xác định tập trung vào mục tiêu “Xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Kinh tế tuần hoàn được xem là cách tiếp cận phù hợp nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.
Đến nay, phát triển kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng ưu tiên để thực hiện mục tiêu chung nhằm quản lý chất thải, sử dụng hiểu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn cũng đã được lồng ghép vào các chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực và địa phương.
“Vì vậy, hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và cải thiện năng suất lao động; phát triển các thực hành tốt, tạo dựng văn hóa và lối sống xanh; thúc đẩy tạo việc làm xanh và phát triển chuỗi giá trị mới trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn,” ông Kiên nói.
Thiết lập "con đường" chuyển đổi xanh
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên nhấn mạnh thực hiện kinh tế tuần hoàn là nhiệm vụ liên ngành và là trách nhiệm của toàn xã hội với sự vào cuộc của các cấp bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.
Do đó, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo các nguồn lực như tài chính, nghiên cứu phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nguồn lực, cung cấp nền tảng thông tin, dữ liệu về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp trong nước; tạo không gian, động lực và điều kiện cho quá trình chuyển đổi, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn. Các tổ chức, cá nhân là động lực dẫn dắt thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới sáng tạo mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm hình thành một chuỗi giá trí tuần hoàn hơn.
“Việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ góp phần hiện thực hóa kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tạo nền tảng để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường, giữa con người với tự nhiên trong bối cảnh mới,” ông Kiên nói.
Gần 1 năm áp trách nhiệm tái chế với doanh nghiệp: Cách làm vẫn chưa “thông”
Một số doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ làm rõ định mức chi phí tái chế (Fs). Đây là một trong những sự lựa chọn để nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của mình.
Trên cơ sở đó, thông qua diễn đàn, thay mặt Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Kiên kêu gọi các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam cùng tham gia tích cực, đóng góp trách nhiệm để hiện thực hóa các sáng kiến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.
Ngoài ra, trong thời gian qua, phát triển kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để ứng phó với thách thức về cạn kiệt nguồn tài nguyên, suy thoái và ô nhiễm môi trường, tác động của biến đổi khí hậu. "Do vậy, trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong xây dựng chính sách, pháp luật có liên quan đến kinh tế tuần hoàn, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, ứng dụng phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn và tiến hành công tác truyền thông về kinh tế tuần hoàn," ông Kiên nhấn mạnh.
Góp giải pháp để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, bà Ramla Khalidi - Trưởng đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng đưa ra 4 khuyến nghị.
Thứ nhất, Việt Nam cần ưu tiên lồng ghép thiết kế sinh thái, thiết kế hoàn vào các chính sách và đưa các mục tiêu có thể đo lường được vào lộ trình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam, thúc đẩy đổi mới và khả năng cạnh tranh. Thứ hai là cần ưu tiên áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đối với các ngành chính (như nông nghiệp, điện tử, nhựa, dệt may và vật liệu xây dựng) để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và mở ra các cơ hội cho tăng trưởng bền vững.
Thứ ba, bà Ramla Khalidi cho rằng Việt Nam cần đảm bảo các thể chế hiệu quả và cấu trúc quản trị hợp lý để giảm bớt rào cản và thúc đẩy đổi mới.
“Cuối cùng, quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn phải là nỗ lực của toàn xã hội, đặt con người và công bằng xã hội vào trung tâm trong khi thúc đẩy các quan hệ đối tác như Đối tác hành động về nhựa quốc gia và Mạng lưới kinh tế tuần hoàn Việt Nam để biến tầm nhìn thành hành động,” bà Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Tại diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế cũng đã cùng nhau thảo luận về “con đường” chuyển đổi từ kinh tế truyền thông sang nền kinh tế tuần hoàn và cách thức thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn (như cần có các quy định cụ thể về tiêu chuẩn xanh trong xây dựng, sản xuất; ưu tiên đối quy định thiết kế sinh thái từ khâu sản xuất, sử dụng, tái chế sản phẩm; mua sắm công xanh, gắn trách nhiệm của doanh nghiệm đối với toàn bộ vòng đời của sản phẩm), nhằm giúp Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật toàn diện cho kinh tế tuần hoàn./.