Thúc đẩy kinh tế số và xã hội số - chiến lược cốt lõi để phát triển đất nước

Với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, các trọng tâm cần tập trung gồm hoàn thiện thể chế pháp luật, đầu tư vào hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế chủ lực.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Sáng 14/11, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương tổ chức Diễn đàn Quốc gia Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II, với chủ đề “Sáng tạo ứng dụng công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực để phát triển kinh tế số và nâng cao năng suất lao động.”

Tham dự Diễn đàn có các lãnh đạo cấp cao: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý cùng lãnh đạo nhiều, tỉnh thành và cộng đồng doanh nghiệp, các diễn giả quốc tế.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy kinh tế số và xã hội số, coi đây là chiến lược lâu dài và cốt lõi để phát triển đất nước bền vững. Chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là một thách thức lớn.

Phó Thủ tướng cam kết sẽ tiếp tục lắng nghe và điều chỉnh chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, với mục tiêu phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cần xây dựng, hoàn thiện thể chế số và các chính sách ưu đãi, thúc đẩy chuyển đổi số theo cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.

ttxvn_khai_mac_dien_dan_quoc_gia_phat_trien_kinh_te_so_va_xa_hoi_so3_resize.jpg
Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng kêu gọi các bộ, cơ quan và địa phương cần tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của chuyển đổi số; cần huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, tạo dựng một môi trường số văn minh, hiện đại và an toàn, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững trong thời đại mới của đất nước.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết diễn đàn tập trung vào các nội dung như thúc đẩy cung về kinh tế số bằng cách hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; kích cầu tiêu dùng số; đo lường sự phát triển kinh tế số tại các ngành và địa phương; chia sẻ và mở rộng dữ liệu để khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy sản xuất thông minh; tăng cường vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp công nghệ số lớn; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; phát triển kinh tế số theo hướng xanh, bền vững.

Hiện tại, kinh tế số trong các ngành mới chiếm 40% tổng kinh tế số của Việt Nam, còn lại 60% thuộc về ngành công nghiệp thông tin và truyền thông.

Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Thái Thanh Quý nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc xác định rõ lộ trình phát triển kinh tế số, từ đó tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đột phá, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

ttxvn_khai_mac_dien_dan_quoc_gia_phat_trien_kinh_te_so_va_xa_hoi_so2_resize.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Với mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030, các trọng tâm cần tập trung gồm hoàn thiện thể chế pháp luật, đầu tư vào hạ tầng số, ứng dụng công nghệ số vào các ngành kinh tế chủ lực, xây dựng thị trường dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, phát triển nguồn nhân lực số... Những mục tiêu này sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt được những bước tiến quan trọng trong kỷ nguyên số.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết định hướng mới của tỉnh đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 là phát triển hệ sinh thái đô thị-công nghiệp thông minh, trong đó kinh tế số và chuyển đổi số đóng vai trò cốt lõi.

Bình Dương mong muốn học hỏi những mô hình, sáng kiến hiệu quả để nâng cao năng lực chuyển đổi số, mở ra các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, giúp Việt Nam đón đầu xu thế công nghệ của thời đại.

Bình Dương đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số; các nhà máy như Orion, Takako và Vinamilk đã tích hợp công nghệ tự động hóa, AI, IoT và 5G để tối ưu quy trình sản xuất và giảm thiểu tác động môi trường; chuyển đổi số trong logistics với kho bãi tự động và giao nhận tối ưu giúp giảm chi phí và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, Bình Dương khuyến khích doanh nghiệp mở rộng thương mại điện tử, phát triển các nền tảng số để kết nối với thị trường toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục