Nông nghiệp tuần hoàn hướng đến sản xuất xanh, bền vững là khái niệm được đề cập khá nhiều trong thời gian gần đây; theo đó, hoạt động sản xuất được thực hiện theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ sinh học để tái chế các chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến sản phẩm tiếp theo.
Những mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn xuất hiện ở một số địa phương hiện nay không chỉ nâng cao giá trị kinh tế mà còn giải quyết tốt vấn đề ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để thúc đẩy chuyển đổi sản xuất nông nghiệp tuyến tính sang nông nghiệp tuần hoàn đòi hỏi phải có sự thay đổi về mặt tư duy kinh tế và các chính sách hỗ trợ cụ thể, kịp thời.
Từ thực tế triển khai một số mô hình tại các tỉnh phía Nam, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề "Thúc đẩy kinh tế nông nghiệp tuần hoàn."
Bài 1: Tài nguyên hữu cơ bị lãng phí
Những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn, nếu quản lý không chặt chẽ sẽ gây ô nhiễm môi trường và lãng phí nguồn chất hữu cơ.
Lượng phụ phẩm khổng lồ
Việt Nam là nước đi lên từ nông nghiệp, cho đến nay, tại rất nhiều tỉnh, thành sản xuất nông nghiệp vẫn là hoạt động kinh tế chủ đạo, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân. Cùng với sản lượng các loại nông sản, khối lượng phụ phẩm nông nghiệp cũng không ngừng tăng lên.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (năm 2020) tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn/ năm; trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn phụ phẩm từ ngành lâm nghiệp và gần 1 triệu tấn phụ phẩm ngành thủy sản.
Ước tính theo chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, đến năm 2025, lượng phân thải từ chăn nuôi đạt khoảng 68,15 triệu tấn và con số này sẽ lên gần 72 triệu tấn vào năm 2030. Ngoài ra, hàng năm có nhiều triệu tấn chất độn chuồng thải ra từ ngành chăn nuôi; tuy nhiên, chưa có số liệu điều tra đánh giá về nguồn phụ phẩm này.
[Chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp: Để nông dân là chủ thể]
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, nhận định Trong quá trình sản xuất nông nghiệp, chúng ta mới chỉ chú trọng đến tăng năng suất, sản lượng, chưa quan tâm nhiều đến lượng dư thừa đầu vào của quá trình sản xuất. Việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và gia tăng chất thải từ chăn nuôi đang đe dọa chất lượng môi trường.
Trong nông nghiệp, một số lĩnh vực chủ đạo như trồng lúa, cây ăn trái, thủy sản và chăn nuôi đã phát thải ra môi trường hàng triệu tấn chất thải hữu cơ, đây chính là nguồn tài nguyên tái tạo phục vụ sản xuất nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt các phế, phụ phẩm nông nghiệp. Tỷ lệ thu gom phụ phẩm trồng trọt mới đạt 52,2%, phụ phẩm ngành chăn nuôi là 75,1%, lâm nghiệp là 50,2% và thủy sản là 90%. Tỷ lệ chế biến phụ phẩm làm đầu vào cho các chu kỳ sản xuất tiếp theo còn thấp hơn nữa.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng hàng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43,4 triệu tấn hữu cơ; 1,86 triệu tấn đạm urê; 1,68 triệu tấn supe lân đơn và 2,23 triệu tấn kali sulfat. Các phụ phẩm từ chế biến thủy sản có chứa hàm lượng dinh dưỡng rất cao, có thể chế biến sâu thành các sản phẩm thực phẩm cho người, thức ăn cho chăn nuôi.
"Trong tư duy kinh tế nông nghiệp tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, phụ phẩm nông, lâm, thủy sản phải được xem là nguồn tài nguyên tái tạo, chứ không phải là chất thải. Nguồn nguyên liệu này là đầu vào quan trọng, kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Nếu khai thác hiệu quả khối lượng phụ phẩm hiện có, giá trị sản xuất nông nghiệp có thể tăng thêm từ 30-100%. Không chỉ tăng thêm về giá trị kinh tế, việc tuần hoàn nguồn nguyên liệu còn giúp giải quyết tình trạng phát thải cao, ô nhiễm môi trường," Tiến sỹ Nguyễn Thị Thanh Thủy nhấn mạnh.
Đang bị bỏ quên
Các chuyên gia nhận định, khối lượng phụ phẩm nông nghiệp lên tới hàng trăm triệu tấn mỗi năm chính là nguồn bổ sung dinh dưỡng hữu cơ thay thế rất tốt cho phân bón hóa học trong việc cải tạo đất. Tuy nhiên, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích để tái sử dụng.
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết trong thời gian qua, với định hướng chính sách phát triển của Nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và thị trường thì phế phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên thực sự, là đầu vào quan trọng cho việc sản xuất nhiều lĩnh vực khác.
Các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ. Tuy nhiên, tỷ lệ khai thác và chuyển hóa nguồn lợi từ phụ phẩm vẫn còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với sản lượng thải ra.
Cụ thể, trong quá trình sản xuất và thu hái, chế biến trái cây ở Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam bộ... lượng hạt xoài, vỏ chuối, vỏ sầu riêng... rất nhiều nhưng đều bị bỏ đi. Trong khi chúng có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ cho cây trồng ngay tại chính những vườn cây ăn quả.
Ngoài ra, các loại phụ phẩm đặc biệt như vỏ thanh long có thể tạo ra màu thực phẩm..., vỏ sầu riêng có thể làm than hoạt tính, đây sẽ là một nguồn sinh khối để sản xuất chất hấp phụ xử lý nước thải và nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác.
Chưa hết, những mặt hàng hoa quả kém chất lượng không bán được, người dân chưa biết cách xử lý, chỉ đổ thành đống, vô hình biến thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Đây được đánh giá là sự lãng phí trong khi nền nông nghiệp đang có nhu cầu rất lớn về phân bón và giá phân bón trên thị trường liên tục tăng cao.
Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết hệ sinh thái chăn nuôi của Việt Nam hiện nay khá đồ sộ với đàn lợn đạt xấp xỉ 30 triệu con, gia cầm đạt trên 500 triệu con và gia súc đạt trên 12 triệu, đảm bảo nhu cầu lương thực, thực phẩm cho hơn 100 triệu dân, xuất khẩu và sinh kế cho chục triệu hộ nông dân. Các tiêu chuẩn kỹ thuật trong chăn nuôi đã tương đồng với thế giới và khu vực.
Tuy nhiên, xử lý chất thải chăn nuôi đang là một trong những điểm nghẽn để đưa chuỗi giá trị đạt đến tiêu chuẩn xanh, bền vững. Thời gian qua, dù đã có nhiều hình thức thu gom, xử lý phân chuồng bao gồm: ủ phân compost, sử dụng sản phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón nhưng tỷ lệ chất thải chăn nuôi dùng sản xuất phân bón hữu cơ chỉ được khoảng 23%.
Nhiều trang trại chăn nuôi lớn vẫn chưa có hệ thống xử lý chất thải phù hợp, nhất là trang trại chăn nuôi gia súc. Chất thải chăn nuôi chủ yếu vẫn xử lý bằng công trình khí sinh học, chất thải rắn ít khi được thu gom, xử lý thành phân bón hữu cơ.
Với tập quán chăn nuôi hiện nay, việc đưa tất cả chất thải (rắn, lỏng) xuống hầm khí sinh học dẫn đến tăng chi phí quản lý và sức ép đến môi trường do xử lý chất thải lỏng tốn kém và khó khăn hơn chất thải rắn.
Đồng thời, đang lãng phí lượng lớn chất thải rắn có thể biến thành phân hữu cơ hữu ích cho cây trồng. Ngoài ra, khí sinh học sinh ra nhiều không được sử dụng hết, phần nhiều xả trực tiếp ra môi trường góp phần gây hiệu ứng nhà kính đang là vấn đề cần được xử lý./.
Bài 2: Mô hình không phế phẩm