Thúc đẩy kết nối đưa Phú Quốc thành điểm đến quốc tế đặc sắc

Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 xác định mục tiêu phát triển Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc.
Đảo thiên đường Hòn Thơm. (Nguồn: Vietnam+)

Phú Quốc (Kiên Giang) có cảnh quan thiên nhiên độc đáo và vị trí chiến lược, gần các thành phố lớn ở Đông Nam Á, đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.

Ngành Du lịch được định hướng là hoạt động kinh tế quan trọng của Phú Quốc và đang từng bước phát triển, song quá trình này phải đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng hình ảnh một điểm đến quốc tế, trong khi đó, khu vực còn có nhiều hạn chế về kết nối giao thông, thiếu sản phẩm mang đậm bản sắc địa phương.

Theo các chuyên gia du lịch, từ cuối năm 2012, việc nâng cấp hạ tầng, mở rộng đường bay đến Phú Quốc đã thúc đẩy quá trình hình thành hoạt động du lịch và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại địa phương.

Hiện nay, ngành lưu trú ở Phú Quốc cung cấp khoảng 25.000 phòng, phần lớn là cơ sở nhỏ, do hộ kinh doanh địa phương tự vận hành; trong đó, số phòng thuộc phân khúc hạng sang, cao cấp chiếm khoảng 15% tổng nguồn cung.

Tổng nguồn cung lưu trú tại Phú Quốc chỉ tương đương 27% so với Phuket (Thái Lan) và 31% so với Bali (Indonesia).

Trước COVID-19, nguồn khách nội địa chiếm hơn 85% lượng khách đến Phú Quốc. Trong bối cảnh thị trường khách quốc tế khôi phục chậm, nguồn khách nội địa đóng góp quan trọng vào quá trình khôi phục của ngành Du lịch địa phương với tổng lượt khách đến đạt 5,1 triệu lượt, tương đương mức năm 2019.

[Phú Quốc - Điểm đến mới của thế giới du khách nên đến ít nhất một lần]

Lượt khách quốc tế đến Phú Quốc ở mức thấp so với các đảo du lịch khác trong khu vực. Trước dịch, lượt khách quốc tế đến Phú Quốc chỉ tương đương khoảng 6% lượt khách quốc tế đến Phuket, 11% đến Bali.

So với các điểm đến du lịch khác tại Việt Nam, Phú Quốc có lợi thế cạnh tranh về chính sách miễn thị thực nhập cảnh cho du khách quốc tế. Theo chính sách này, khách du lịch thuộc mọi quốc tịch được miễn thị thực với điều kiện nhập cảnh trực tiếp đến Phú Quốc và không di chuyển tới địa phương khác.

Lãnh đạo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết chính sách miễn thị thực cho khách quốc tế với thời gian dài đã và đang tạo điều kiện thúc đẩy du lịch, kinh tế Phú Quốc phát triển xứng tiềm năng của đảo ngọc.

Trải nghiệm ngắm san hô ở Phú Quốc. (Nguồn: Vietnam+)

Để thu hút nhiều hơn du khách quốc tế đến Đảo Ngọc tham quan, nghỉ dưỡng, Kiên Giang tiếp tục đề xuất nâng thời hạn miễn thị thực lên 6 tháng với đối tượng là người nước ngoài trực tiếp vào khu kinh tế ven biển Phú Quốc hoặc đến đây từ các cửa khẩu quốc tế khác trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam (bằng đường hàng không), lưu lại khu vực quá cảnh ở cửa khẩu đó, rồi chuyển tiếp đến Phú Quốc.

Việc từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử (hay visa điện tử, ký hiệu EV) được nâng lên thành không quá 90 ngày và có giá trị một lần hoặc nhiều lần đã góp phần tạo cơ hội lớn cho du lịch Phú Quốc phát triển, đón lượng lớn khách quốc tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Savills Hotels, số đường bay thẳng và tần suất chuyến bay kết nối Phú Quốc với thị trường quốc tế hạn chế là những rào cản để thành phố có thể phát huy hiệu quả chính sách này.

Trong khu vực, Phuket và Bali có lợi thế kết nối hàng không quốc tế với tần suất đa dạng và nhiều đường bay hơn, bao gồm đường bay từ các thành phố lớn như Singapore, Thượng Hải và Hong Kong (Trung Quốc). Số chuyến bay hàng ngày đến Phuket và Bali lần lượt nhiều hơn Phú Quốc là 150% và 430%.

Ngoài ra, Phuket và Bali có kết nối hàng không với cửa ngõ giao thông quốc gia thường xuyên hơn. Trung bình mỗi tuần sẽ có khoảng 330 chuyến bay từ Phuket đến Bangkok, 400 chuyến bay từ Bali đến Jakarta trong khi đó Phú Quốc chỉ có khoảng 160 chuyến bay đến Thành phố Hồ Chí Minh và 90 chuyến bay đến Hà Nội.

Mặt khác, hiện các chuyến bay từ Đài Loan (Trung Quốc) và Ấn Độ đến Phú Quốc đã tạm ngưng khai thác. Phú Quốc chưa có chuyến bay đến Singapore - một trong các cửa ngõ giao thông quan trọng trong khu vực châu Á. Đây cũng là một bất lợi của Phú Quốc so với Phuket và Bali.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ đã thúc đẩy quá trình phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đã gia nhập thị trường một cách vội vàng, thiếu sự cân nhắc thấu đáo trong quá trình hoạch định và triển khai dự án. Một số chủ đầu tư đơn thuần sao chép sản phẩm hiện hữu và bỏ qua yếu tố xu hướng thị trường, văn hóa địa phương để kiến tạo nét đặc trưng riêng cho dự án.

“Dù vẫn có nhiều dự án chất lượng được phát triển nhưng để gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách, Phú Quốc cần tạo được một khu vực điểm nhấn trung tâm, tập trung các hoạt động tham quan, khám phá,” ông Mauro Gasparotti nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tình trạng dư thừa nguồn cung một số sản phẩm như nhà phố thương mại cũng là vấn đề đáng lo ngại. Việc nhiều khu phố thương mại bị bỏ trống, chưa đưa vào kinh doanh có thể ảnh hưởng không tốt đến trải nghiệm của du khách và hình ảnh của ngành Du lịch Phú Quốc.

Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch chung thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2040 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2022 cũng nêu rõ mục tiêu quy hoạch là phát triển thành phố Phú Quốc trở thành một đô thị biển đảo đặc sắc; một trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ có bản sắc, chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế; trung tâm thương mại, dịch vụ và trung tâm chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ứng dụng công nghệ cao ở tầm cỡ khu vực và quốc tế; trung tâm chính trị-văn hóa; một không gian sống có chất lượng và gắn bó của người dân trên đảo; quản lý phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025 của tỉnh Kiên Giang xác định mục tiêu xây dựng thành phố Phú Quốc đạt đô thị loại 1 vào năm 2025, trở thành thành phố du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế.

Với vị thế là thành phố biển đảo đầu tiên của Việt Nam, dự báo đến 2030, Phú Quốc sẽ có 550.000 dân. Với mức dân số tăng gấp 3 lần hiện tại, Đảo Ngọc được đánh giá sẽ trở thành trung tâm kinh tế-tài chính mới của khu vực và thế giới trong tương lai.

Từ thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng việc phát triển hệ thống hạ tầng hiện chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển hoạt động bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc.

Bên cạnh đó, các dự án đang triển khai một cách riêng lẻ chưa tạo được sự cộng hưởng cần thiết để hình thành một hệ sinh thái du lịch xuyên suốt. Điều này đang tạo ra một số thách thức trong việc phát triển, thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại địa phương.

Ông Mauro Gasparotti nhận định để duy trì sức hấp dẫn vốn có và tạo được một hệ sinh thái kết hợp hài hòa bản sắc địa phương và hoạt động khai thác du lịch, Phú Quốc cần đặc biệt quan tâm đến các yếu tố bền vững, cân nhắc đặc trưng văn hóa và môi trường cộng đồng từ giai đoạn hoạch định.

Ngoài ra, để có thể trở thành một điểm đến cạnh tranh trên bản đồ du lịch quốc tế, Phú Quốc cần cải thiện kết nối giao thông, hạ tầng cơ sở cũng như có chiến lược truyền thông, quảng bá hiệu quả hơn.

Quá trình này cần có sự phối hợp từ chính quyền địa phương, tổ chức và doanh nghiệp trong ngành nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của Phú Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục