Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong lĩnh vực hàng không, nông nghiệp

Thủ tướng khẳng định mối quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc tốt đẹp là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai bên tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, đầu tư bằng những dự án cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn tầu bay thương mại Trung Quốc (COMAC). (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong chương trình dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8 và làm việc tại Trung Quốc, ngày 6/11, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với một số tập đoàn hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực hàng không, dịch vụ, nông nghiệp.

Tại các cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết quan hệ láng giềng hữu nghị, núi liền núi, sông liền sông, mối tình thắm thiết, vừa là đồng chí, vừa là anh em Việt Nam-Trung Quốc đang phát triển rất tốt đẹp; là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hai bên cần tăng cường hợp tác; đề nghị các tập đoàn tăng cường kết nối, trao đổi, thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại Việt Nam bằng những dự án cụ thể.

Trong cuộc Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Tập đoàn tàu bay thương mại Trung Quốc (COMAC), ông Ngụy Ứng Bưu, Phó Tổng Giám đốc thường trực của Tập đoàn cho biết COMAC với tổng đầu tư khoảng 50 tỷ nhân dân tệ (6,9 tỷ USD), có 18.000 nhân viên đang tập trung sản xuất các dòng tàu bay C919, ARJ21, cung cấp cho nhiều đối tác trên thế giới.

Thông tin về chiến lược sản xuất, kinh doanh của COMAC, ông Ngụy Ứng Bưu cho rằng Việt Nam là thị trường lớn, đầy tiềm năng, COMAC đã và đang kết hợp với Hãng hàng không Vietjet - hãng hàng không tư nhân lớn nhất của Việt Nam trao đổi sâu về kỹ thuật tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam, đưa hợp tác COMAC-Vietjet thành mô hình mới, điểm sáng mới trong hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực giao thông vận tải.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao thành tựu nghiên cứu, phát triển các dòng máy bay thương mại hiện đại của COMAC; với sự coi trọng thời gian, trí tuệ, trong thời gian ngắn, COMAC đã phát triển thành công các dòng máy bay, góp phần đa dạng hóa thị trường cung cấp máy bay thương mại; tin tưởng COMAC sẽ có những bước tiến nhảy vọt trong việc phát triển các dòng máy bay, nhất là máy bay thân rộng, cạnh tranh với các hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới.

Cho biết thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt-Trung đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện, trong đó hợp tác hàng không giúp kết nối, thúc đẩy thương mại, đầu tư được Việt Nam coi trọng, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh COMAC thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt việc nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp với Việt Nam và thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao; đề nghị COMAC tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam để sớm có được hợp tác, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính vui mừng cho rằng việc COMAC hợp tác với Vietjet-Hãng hàng không tư nhân rất năng động, tích cực, đổi mới, sáng tạo của Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn; đề nghị COMAC và Vietjet thúc đẩy hợp tác dưới nhiều hình thức; đề nghị COMAC hỗ trợ Vietjet về giá và các ưu đãi khác như việc hai nước hỗ trợ nhau trong phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Đới Hòa Căn, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng công trình đường sắt Trung Quốc (CRCC). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị COMAC nghiên cứu hợp tác, khai thác các đường bay khác tại Việt Nam và giữa Việt Nam với Trung Quốc; hỗ trợ Việt Nam trong phát triển khoa học, công nghệ, khai thác không gian vũ trụ phục vụ phát triển đất nước.

Nhất trí cao với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Tổng Giám đốc thường trực Tập đoàn COMAC cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Vietjet để triển khai; mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ hợp tác giữa Vietjet và COMAC, sớm hiện thực hóa mong muốn của lãnh đạo hai nước.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Trung tâm Thương mại và Đấu giá Hoa Quốc tế Côn Minh, Trung Quốc (KIFA).

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Công ty Trung tâm Thương mại và Đấu giá Hoa Quốc tế Côn Minh (KIFA) và Công ty Công nghệ Hoa Đại Giang Thanh. (Ảnh: Dương Giang-TTXVN)

Chủ tịch KIFA Tào Vinh Căn cho biết KIFA là doanh nghiệp hàng đầu thế giới, hoạt động dựa trên hoạt động đấu giá hoa, xây dựng các tiêu chuẩn đối với hoa, phát triển và quảng bá các giống mới; cung cấp các dịch vụ như thông tin thị trường, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics.

Hiện nay, thông qua KIFA có hơn 2.000 loại hoa tươi với hơn 40 chủng loại thông qua bán đấu giá tới các thành phố lớn của Trung Quốc và xuất khẩu tới trên 40 quốc gia và khu vực trên thế giới. KIFA mong muốn thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại với Việt Nam để hình thành chuỗi cung ứng trong lĩnh vực hoa tươi, cây cảnh công nghệ cao; hợp tác các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.

Chúc mừng và đánh giá cao các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh có hiệu quả của KIFA đã đạt được trong thời gian qua trong lĩnh vực kinh doanh hết sức nhân văn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam nói chung và miền Bắc nói riêng có rất nhiều lợi thế để phát triển hoa, cây cảnh.

Vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Bắc Trung bộ còn rất nhiều quỹ đất để phát triển lĩnh vực này với các lợi thế về khí hậu vùng núi cao mát mẻ quanh năm thích hợp với nhiều loài hoa, giống hoa cao cấp.

Đặc biệt như tại Mộc Châu-Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có điều kiện để hình thành các trang trại, các doanh nghiệp sản xuất hoa công nghiệp phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Trong khi nhu cầu về hoa, cây cảnh của Việt Nam cũng rất lớn, với dân số trên 100 triệu người.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Zhang Deliang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng năng lượng Trung Quốc (Energy China). (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cho rằng trong ngành hoa, cây cảnh, quan trọng là phải xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu, lựa chọn công nghệ sản xuất và phát triển hệ thống lưu thông, phân phối hoa, cây cảnh không những tại hai nước mà ra toàn thế giới, Thủ tướng đề nghị KIFA chủ động hợp tác, đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương liên quan các dự án hợp tác cụ thể trong xây dựng nguồn nguyên liệu cũng như kết nối chuỗi cung ứng xuất khẩu đi ra thế giới, để xây dựng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng thắng; trao đổi, làm việc để cụ thể hóa các chương trình hỗ trợ và hợp tác với người nông dân về các loại giống, cây đồng thời xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể để triển khai các chương trình, hoạt động đem lại hiệu quả cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục