Thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và khoáng sản là một trong những nội dung trọng tâm tại Hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và ông Khammani Inthirath, Bộ trưởng Bộ năng lượng và mỏ Lào diễn ra chiều 4/4, tại Hà Nội.
[Thủ tướng Campuchia, Lào, Việt Nam chủ trì họp báo Hội nghị CLV10]
Thông tin được đưa ra tại hội đàm cho thấy, trong suốt thời gian qua, hai nước đã và đang đẩy mạnh hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực năng lượng, cụ thể là sản xuất và truyền tải điện, Lào có rất nhiều tiềm năng, lợi thế.
Phía Lào đã lên kế hoạch sản xuất 10.000 MW điện từ các nguồn khác nhau như: thủy điện, điện gió, điện than và điện mặt trời… vào năm 2020 và 75% sản lượng điện đó được kỳ vọng sẽ xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Về phần mình, Việt Nam từ một nước xuất khẩu năng lượng đã trở thành nước nhập khẩu ròng về năng lượng. Dự kiến, các nguồn nhập khẩu sẽ cung cấp cho khoảng 37,5% nhu cầu năng lượng của Việt Nam vào năm 2025 và 58,5% vào năm 2035.
Trong bối cảnh đó, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Lào đã trở thành một nhu cầu tự thân, phục vụ nhu cầu và lợi ích thiết thực cho phát triển của cả hai nước.
Phát biểu tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo yêu cầu cho phát triển kinh tế thì tăng trưởng điện luôn là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Ước tính trong thời gian gần đây, tăng trưởng điện luôn duy trì từ 1,5-2 lần so với mức tăng trưởng của GDP.
Mặc dù Việt Nam đang nhập khẩu điện từ Lào để cung cấp cho một số địa phương nhưng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, về lâu dài hai bộ cần tính đến việc xây dựng và kết nối lưới điện quốc gia chung giữa hai nước cũng như hướng tới việc liên thông với lưới điện của các nước ASEAN.
Với tổng sơ đồ điện mới của Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, cơ quan này sẽ sớm trình Chính phủ phương án khung giá điện nhập khẩu để đảm bảo thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện.
Về phía Lào, Bộ trưởng Khammani Inthirath cũng nhấn mạnh sự hợp tác và hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng. Tính đến thời điểm hiện tại phía Lào đã có hơn 50 hệ thống điện đưa vào vận hành cùng hơn 40 dự án đang thi công, dự kiến sẽ đưa vào vận hành vào năm 2020.
Bộ trưởng Lào cho biết, với khả năng hiện có, phía Lào có thể đáp ứng nhiều nguồn điện cho xuất khẩu, từ thủy điện đến nhiệt điện, đồng thời nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa hai nước trong lĩnh vực này nhằm cụ thể hóa các hiệp định sắp được ký kết trong bối cảnh mới.
Cũng trong buổi Hội đàm, hai Bộ trưởng đã thống nhất về cơ bản các nội dung chính của Hiệp định sửa đổi Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ trong lĩnh vực năng lượng và Khoáng sản năm 2006 để có cơ sở báo cáo Chính phủ hai nước phê duyệt, ký trong thời gian sớm nhất, tạo khuôn khổ hợp tác ổn định, dài hạn về năng lượng và khoáng sản giữa hai nước cho phù hợp với tình hình mới của khu vực và thế giới.
Các nội dung chính bao gồm danh sách các dự án nguồn điện Chính phủ Lào xác nhận giới thiệu bán điện về Việt Nam, phương án đấu nối và đường dây liên kết để chuyển tải điện về Việt Nam, cơ chế đàm phán giá mua bán điện.
Bên cạnh đó, hai Bên nhất trí tiếp tục hỗ trợ Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đối với dự án muối mỏ kali, sớm hỗ trợ dự án thủy điện Mỹ Lý - Nậm Mô 1 đi vào triển khai.../.