Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, đây là thời điểm để các bên đồng bộ hóa các nguồn tài chính của cả nhà nước và khu vực tư nhân, do vậy cần có sự tham gia của khu vực tư nhân nhiều hơn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp lần thứ 7 Ban Chỉ đạo Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG) nhằm xem xét lại kế hoạch hoạt động của VEPG trong năm 2023, đặc biệt là công tác tổ chức hội nghị cấp cao VEPG trong năm 2023 và tiến hành triển khai thỏa thuận JETP (Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng bình đẳng).
Cuộc họp do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, ông Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đồng chủ trì, diễn ra ngày 16/3, tại Hà Nội
[Cơ hội kép cung cấp năng lượng xanh, giảm phát thải tại VN]
Theo ông Đặng Hoàng An, tháng 1/2022, VEPG đã tổ chức hội nghị cấp cao lần thứ 5 và chính thức thông qua Điều khoản tham chiếu của VEPG sửa đổi cho giai đoạn 2022-2027 với nội dung thay đổi nổi bật là lập ra 3 nhóm công tác kỹ thuật mới: Công tác kỹ thuật về Quy hoạch chiến lược ngành điện, Công tác kỹ thuật về Tích hợp lưới điện và cơ sở hạ tầng lưới điện, Công tác kỹ thuật về thị trường năng lượng. Cùng 2 nhóm kỹ thuật có trước đã có bao gồm nhóm Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng.
“Các nhóm công tác kỹ thuật trong năm 2022 đã hoàn hành tốt nhiệm vụ mặc dù gặp nhiều khó khăn. Điều này thể hiện sự nỗ lực của các đơn vị, của Bộ Công Thương và tinh thần hợp tác tích cực của các đối tác phát triển tham dự cuộc họp hôm nay. Bộ Công Thương ghi nhận, đánh giá cao sự hỗ trợ về công tác kỹ thuật của VEPG,” ông Đặng Hoàng An đánh giá.
Trong khi đó, ông Giorgio Aiiberti, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đồng chủ trì VEPG nhấn mạnh, trong thời gian tới để hiện thực hóa phát thải ròng bằng không vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam, chúng tôi thấy cần phải đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam, trong đó bao gồm các hoạt động: Cải cách từng lĩnh vực năng lượng cũng như là cắt giảm dần điện than. Mục tiêu đến năm 2040 Việt Nam sẽ cắt giảm điện than và sử dụng các nguồn năng lượng bền vững hơn.
Cũng theo Đại sứ Giorgio Aiiberti, đây là một thách thức không chỉ ở châu Âu mà còn cả ở châu Á trong đó có Việt Nam, do đó Phái đoàn Liên minh châu Âu rất vui được chia sẻ những kinh nghiệm đã trải qua với Việt Nam.
"Chúng tôi đã ký thông qua khoản hỗ trợ 2 triệu USD hỗ trợ cho chương trình chuyển dịch năng lượng, 4 biện pháp bổ sung trị giá 21 triệu Euro và mục tiêu của các hoạt động này nhằm tăng cường hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu năng lượng và cải thiện hệ thống lưới điện ở Việt Nam…,” ông Giorgio AIiberti cho biết.
Với những thỏa thuận JETP giữa Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế (IPG) bao gồm Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Italy, Nhật Bản, Đan Mạch… ký và công bố vào tháng 12/2022, Bộ Công Thương kỳ vọng trong thời gian tới quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương và các đối tác quốc tế sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cùng tìm thấy tiếng nói chung và đạt được giá trị cốt lõi mà VEPG đặt ra.
Ông Giorgio AIiberti đề nghị Ban thư ký JETP nỗ lực hơn trong thúc đẩy hợp tác giữa hai bên thông qua các sáng kiến với sự phối hợp của các bộ ngành liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… để thiết kế những biện pháp quản lý đầu tư hợp lý, quy hoạch về năng lượng tái tạo, lưu trữ năng lượng… nhằm hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
Tại cuộc họp, đại diện VEPG đã cập nhật các cuộc họp nhóm công tác kỹ thuật và các tổ chuyên trách; cũng như Kế hoạch hoạt động công tác tổng thể VEPG trong năm 2023 và giai đoạn 2023-2027.
Hoan nghênh các nhóm công tác kỹ thuật đã tổ chức các cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đề nghị năm 2023, VEPG bên cạnh các vấn đề cần tập trung như cơ chế DPPA, chuyển đổi năng lượng (công nghệ lưu trữ, công nghệ sản xuất hydrogen xanh, các điều kiện cần thiết để đáp ứng thị trường carbon..), phía các đối tác cần hỗ trợ Việt Nam thực hiện tuyên bố JETP.
Lãnh đạo Bộ Công Thương giao cho Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo là đầu mối kiểm tra, rà soát sự tham gia của các bộ, ngành cũng như của khu vực ngoài nhà nước, các doanh nghiệp khu vực tư nhân vào diễn đàn VEPG; Ban Thư ký VEPG tạo ra khung để điều phối các dự án, đối tác tham gia vào VEPG./.