Thúc đẩy hợp tác sâu rộng, tin cậy và hiệu quả Việt Nam-Ấn Độ

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển.
Thúc đẩy hợp tác sâu rộng, tin cậy và hiệu quả Việt Nam-Ấn Độ ảnh 1Chủ tịch nước Trần Đại Quang. (Ảnh: TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ từ ngày 2-4/3.

Đây là chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Từ quan hệ hữu nghị truyền thống đến Đối tác Chiến lược toàn diện

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời, được các thế hệ lãnh đạo hai nước gìn giữ, vun đắp và liên tục phát triển.

Từ những năm 50 của thế kỷ trước, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru đã khẳng định tình hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển sau này.

Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược.” Đặc biệt, quan hệ song phương được nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện” (tháng 9/2016), phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2017.

Quan hệ chính trị giữa hai nước phát triển tốt đẹp. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và thực hiện các cơ chế hợp tác chặt chẽ gồm Cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về khoa học, kỹ thuật và văn hóa, giáo dục, gọi tắt là Ủy ban hỗn hợp (họp luân phiên hai năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao), tiến hành được 15 kỳ họp; Cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, tổ chức họp luân phiên tại mỗi nước và tiến hành được chín phiên họp; Cơ chế Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao (ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao) đến nay đã họp sáu lần.

[Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời phỏng vấn báo chí Ấn Độ]

Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt. Hai bên nâng cấp cơ chế Đối thoại Quốc phòng cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng (tháng 6/2016). Hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại Chính sách Quốc phòng năm 2003, đến nay đã tổ chức được chín phiên họp.

Hợp tác quốc phòng hai nước đã được mở rộng trong cả ba quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào ba lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng.

Hai bên đã ký kết Chương trình hợp tác về các vấn đề gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và Thỏa thuận kỹ thuật về chia sẻ thông tin hàng hải phi quân sự. Hợp tác an ninh hai nước được tăng cường trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, chống khủng bố.

Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Công an và Cơ quan An ninh Quốc gia Ấn Độ (tháng 9/2016), Bản ghi nhớ về Hợp tác trong lĩnh vực An ninh mạng (tháng 9/2016).

Hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực

Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2007, hai bên đã mở rộng, triển khai tất cả các lĩnh vực hợp tác từ kinh tế, thương mại, đầu tư đến hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, khoa học giáo dục, văn hóa, du lịch, nông nghiệp. Trong đó, quan hệ kinh tế, thương mại được Chính phủ hai nước xác định là một trong những trụ cột của mối quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Ấn Độ.

Những năm gần đây, mối quan hệ Đối tác Chiến lược giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng phát triển, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại được triển khai, góp phần kết nối cộng đồng doanh nghiệp.

Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi đó Việt Nam cũng là đối tác ưu tiên hàng đầu trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/năm trong giai đoạn 2008-2013.


[Báo chí Ấn Độ: Kinh tế phải là trọng tâm của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ]

Năm 2017, kim ngạch thương mại ước đạt 7,5 tỷ USD (tăng 37,7% so với 2016). Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm chế biến cũng có sự tăng trưởng đột biến. Việt Nam nhập khẩu thủy hải sản, thịt trâu, hàng rau quả, thức ăn chăn nuôi từ Ấn Độ, trong khi Ấn Độ nhập khẩu càphê, hạt tiêu, hạt điều và hàng thủy sản từ Việt Nam.

Đến hết tháng 11/2017, tổng vốn đăng ký đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam đạt 756 triệu USD, với 168 dự án đầu tư tại 24 tỉnh, thành phố, đứng thứ 28/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam hiện có bảy dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học...

Hợp tác dầu khí phát triển tốt; trong lĩnh vực điện, Tập đoàn TATA Ấn Độ đang triển khai dự án BOT xây dựng Nhà máy nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng (trị giá 1,8 tỷ USD), dự kiến hoàn thành năm 2022.

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN-Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua dự án thành lập “Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam-Ấn Độ (VIEDC)” và Biên bản ghi nhớ về hợp tác doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.


Tăng cường giao lưu, gắn kết giữa hai dân tộc

Ấn Độ đang giúp Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, kinh tế, luật, tiếng Anh... thông qua nhiều học bổng ngắn hạn và dài hạn (khoảng 150 suất).

Ấn Độ thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng và đang thúc đẩy thành lập Trung tâm đào tạo tiếng Anh và Tin học tại Đại học Thông tin Liên lạc, Nha Trang.

Hai bên đã ký kết Chương trình giao lưu văn hóa giai đoạn 2015-2017, tiến hành nhiều hoạt động giao lưu, hội chợ triển lãm, quảng bá văn hóa, du lịch; ký kết biên bản ghi nhớ về việc thành lập trường Đại học Nalanda, mở đường cho việc hợp tác và giao lưu sâu rộng hơn trong lĩnh vực Phật giáo; biên bản ghi nhớ về xây dựng dự án bảo tồn, tôn tạo các nhóm Tháp Chàm tại Mỹ Sơn trị giá 3 triệu USD. Ấn Độ đã mở Trung tâm Văn hóa Ấn Độ tại Hà Nội; đẩy mạnh truyền bá “sức mạnh mềm” thông qua phim ảnh Bollywood, yoga, Phật giáo.

Những năm gần đây, lượng khách Ấn Độ đến Việt Nam đã có mức tăng ấn tượng, trung bình 17%/năm trong giai đoạn 2010-2016; năm 2016 tăng 30% (85.000 lượt). Hãng hàng không VietjetAir cũng đang xúc tiến việc mở các đường bay thẳng Thành phố Hồ Chí Minh-New Delhi trong thời gian sớm nhất.

Hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y và thỏa thuận về hợp tác xây dựng trang trại cá tra; tiếp tục trao đổi thông tin liên quan tới kiểm dịch thực vật và tiêu chuẩn an toàn vệ sinh giữa hai nước; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch và cơ giới hóa nông nghiệp.

Bên cạnh đó, Ấn Độ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam và hợp tác kỹ thuật trong nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, viễn thám, điện tử viễn thông; nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học, biến đổi khí hậu; hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Gần đây, Ấn Độ hợp tác xây dựng trạm viễn thám, dò tìm và xử lý ảnh vệ tinh tại Bình Dương...

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Trong vai trò là điều phối viên quan hệ Ấn Độ-ASEAN (giai đoạn 2015-2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông”, các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), sông Hằng-sông Mekong (MGC).

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Cộng hòa Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2007 và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2016.

Chuyến thăm cũng khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục