Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt-Pháp ngày càng hiệu quả, thực chất

Đại tướng Phan Văn Giang tin tưởng thời gian tới, quan hệ quốc phòng Việt Nam-Pháp tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng hiệu quả, thực chất, trên cơ sở phù hợp nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi bên.
Thúc đẩy hợp tác quốc phòng Việt-Pháp ngày càng hiệu quả, thực chất ảnh 1Đại tướng Phan Văn Giang tiếp bà Alice Guitton. (Nguồn: qdnd.vn)

Chiều 15/4, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tiếp Tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ quốc tế và chiến lược (Bộ Quân đội Pháp) Alice Guitton nhân dịp sang Việt Nam dự Đối thoại Chiến lược và Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp lần thứ hai.

Chào mừng bà Alice Guitton và Đoàn công tác sang Việt Nam, Đại tướng Phan Văn Giang khẳng định từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2013, quan hệ song phương không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, quốc phòng-an ninh, văn hóa, khoa học kỹ thuật...

Trong tổng thể quan hệ hai nước, hợp tác về quốc phòng luôn là lĩnh vực được quan tâm thúc đẩy.

[Củng cố hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Pháp]

Đặc biệt, sau chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 11/2021, quan hệ quốc phòng song phương ngày càng được củng cố và phát triển.

Hiện nay, hai bên đang tích cực triển khai các hoạt động hợp tác hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 10 năm Đối tác Chiến lược.

Đại tướng Phan Văn Giang tin tưởng thời gian tới, quan hệ quốc phòng Việt Nam-Pháp tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng hiệu quả, thực chất, trên cơ sở phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi bên.

Bà Alice Guitton cảm ơn Đại tướng Phan Văn Giang đã dành thời gian tiếp Đoàn; đồng thời mong muốn trong thời gian tới Bộ Quân đội Pháp và Bộ Quốc phòng Việt Nam tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên đã thống nhất tại phiên Đối thoại Chiến lược và hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp lần thứ hai, nhất là trên các thế mạnh mà hai bên có nhu cầu.

Trước đó chiều cùng ngày, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng cục trưởng Tổng cục Quan hệ quốc tế và Chiến lược Alice Guitton đã đồng chủ trì Đối thoại Chiến lược và hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp lần thứ hai.

Tại đối thoại, hai bên đã đánh giá kết quả hợp tác quốc phòng kể từ kỳ họp lần thứ nhất (tháng 7/2019) đến nay và trao đổi, thống nhất phương hướng hợp tác thời gian tới.

Mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, song quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp tiếp tục được triển khai với mức độ, nội dung, hình thức phù hợp và đạt được kết quả đáng khích lệ trên một số lĩnh vực như: trao đổi đoàn, đào tạo, quân y, công nghiệp quốc phòng, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh...

Trên phương diện hợp tác quốc phòng đa phương, hai bên đã phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế đa phương ngày càng hiệu quả.

Với sự ủng hộ của Pháp, quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với EU ngày càng được tăng cường.

Việt Nam luôn ủng hộ các nỗ lực tích cực của Pháp nhằm góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển tại khu vực, sẵn sàng là cầu nối để Pháp tăng cường quan hệ với ASEAN.

Hai bên thống nhất thời gian tới, quan hệ hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, thực chất, trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam-Pháp giai đoạn 2018-2028 và Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp sửa đổi, tập trung vào một số lĩnh vực như: thúc đẩy tiếp xúc, trao đổi các cấp, đặc biệt ở cấp cao; ký kết các văn bản hợp tác làm cơ sở pháp lý triển khai các hoạt động hợp tác quốc phòng song phương; tăng cường nghiên cứu và trao đổi chiến lược; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; quân y; đào tạo; hải quân; công nghiệp quốc phòng; giao lưu sỹ quan trẻ; chia sẻ ký ức lịch sử và khắc phục hậu quả chiến tranh; tiếp tục phối hợp hiệu quả và ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế, diễn đàn đa phương.

Hai bên cũng trao đổi quan điểm về tình hình thế giới, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục