Ngày 5/8 tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ 8 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Minoru Kiuchi.
Hội nghị được tổ chức bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Hội nghị đã rà soát tình hình hợp tác Mekong-Nhật Bản trong giai đoạn 2012-2015 và thảo luận phương hướng tăng cường hợp tác thời gian tới.
Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả tích cực đạt được trong triển khai Chiến lược Tokyo 2012 trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, thương mại và công nghiệp, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển nguồn nhân lực và giao lưu nhân dân.
Triển khai kết quả của Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7 vừa diễn ra ngày 4/7 tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản, Hội nghị đã thông qua “Kế hoạch hành động Mekong-Nhật Bản nhằm hiện thực hóa Chiến lược Tokyo 2015.”
Kế hoạch đề ra các chương trình, dự án hợp tác cụ thể thuộc 4 trụ cột, bao gồm: Phát triển hạ tầng công nghiệp tại khu vực Mekong, tăng cường kết nối cứng trong tiểu vùng Mekong với các khu vực lân cận; Phát triển các ngành công nghiệp và chuỗi giá trị khu vực, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường kết nối thể chế, kinh tế và giao lưu nhân dân; Phát triển bền vững hướng tới thực hiện một Mekong xanh nhằm đạt được “tăng trưởng chất lượng;” Tăng cường phối hợp giữa hợp tác Mekong-Nhật Bản với các cơ chế hợp tác khu vực, tổ chức quốc tế.
Kế hoạch Hành động cũng ghi rõ danh mục các dự án đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới, trong đó có hơn 100 dự án do Việt Nam đề xuất và phối hợp với Nhật Bản cùng các nước khác trong khu vực Mekong triển khai thực hiện nhằm sử dụng hiệu quả nguồn tài chính mới do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cam kết tại Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 7.
Trước đó, Thủ tướng Abe cam kết dành 750 tỷ yen viện trợ phát triển chính thức (ODA )cho các nước Mekong để triển khai Chiến lược Tokyo 2015 và ưu tiên tiểu vùng Mekong trong thực hiện sáng kiến 110 tỷ USD hợp tác với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về phát triển hạ tầng chất lượng cao ở châu Á-Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, như tình hình biển Đông và diễn biến trên bán đảo Triều Tiên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, lấy con người làm trung tâm, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề xuất Hợp tác Mekong-Nhật Bản cần tập trung vào các nội dung sau:
Hỗ trợ các nước Mekong nghiên cứu khả thi xây dựng tuyến vận tải đa phương thức mới kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) với khu vực Nam Á; Tăng cường phối hợp với Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) đánh giá tác động môi trường của các dự án cơ sở hạ tầng, hợp tác phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi cho trao đổi kinh tế, thương mại, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao mà khu vực có lợi thế như nông nghiệp, du lịch,....
Các Bộ trưởng nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Nhật Bản lần thứ 9 tại Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trong năm 2016, bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49.
Trước đó, ngày 3/8, đã diễn ra cuộc họp quan chức cấp cao Hợp tác sông Mekong-sông Hằng (MGC) để chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Ganga dự kiến diễn ra tại Lào vào năm 2016.
Cuộc họp đã rà soát các lĩnh vực hợp tác trong thời gian qua về văn hóa, du lịch, giáo dục, giao thông...; đồng thời nhất trí thiết lập cơ chế làm việc thường xuyên để thúc đẩy hợp tác thực chất và có hiệu quả hơn.
Cũng trong ngày 5/8, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 5 đã được tổ chức dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se.
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Ngoại giao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình triển khai hợp tác Mekong-Hàn Quốc trong năm qua và định hướng hợp tác trong thời gian tới.
Các Bộ trưởng hoan nghênh những tiến triển tích cực trong triển khai Kế hoạch hành động 2014-2017, điển hình là các dự án Cải tạo và khôi phục hệ sinh thái rừng, giai đoạn 1 Chương trình đào tạo năng lực dịch vụ hậu cần cho các nước Mekong và Nghiên cứu về giao thông đường thủy trên sông Mekong.
Các Bộ trưởng hoan nghênh kết quả Diễn đàn Doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc lần thứ 3 vừa diễn ra ngày 10/7 tại Campuchia; nhất trí cần tăng cường hơn nữa giao thương giữa cộng đồng doanh nghiệp các nước Mekong và Hàn Quốc để góp phần đạt mục tiêu 200 tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều ASEAN-Hàn Quốc vào năm 2020.
Các Bộ trưởng hoan nghênh Hàn Quốc tăng kinh phí cho Quỹ hợp tác Mekong-Hàn Quốc lên 1 triệu USD trong năm 2015, nhất trí giao Viện Mekong làm cơ quan điều phối thực hiện các dự án trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Hàn Quốc.
Hội nghị cũng thống nhất tiếp tục thực hiện các dự án hợp tác nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, cân bằng và toàn diện tại tiểu vùng Mekong và bổ trợ cho Cộng đồng ASEAN.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đã thảo luận về một số vấn đề quốc tế và khu vực như diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tình hình biển Đông, biến đổi khí hậu, ứng phó thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng và an ninh lương thực.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối thông qua phát triển hạ tầng cứng và mềm trong tiểu vùng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và logistics trên Hành lang kinh tế Đông-Tây và Hành lang Kinh tế phía Nam; tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên khác của sông Mekong; phát triển nông nghiệp, nông thôn và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các nước CLMV.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng đánh giá cao vai trò của khu vực tư nhân và đề nghị phát huy những cơ chế hiệu quả, thiết thực như Diễn đàn doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc.
Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mekong-Hàn Quốc lần thứ 6 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 tại Lào trong năm 2016./.