Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc tại Đức theo lời mời của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đến thăm và tìm hiểu hoạt động của một số công ty trong lĩnh vực công nghệ của Đức, trong đó có công ty sản xuất turbine khí thuộc tập đoàn Siemens, công ty phần mềm SAP và Viện nghiên cứu ứng dụng Fraunhofer.
Trong chuyến thăm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung tìm hiểu các hoạt động, công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ cũng như đào tạo nhân lực của các tập đoàn, công ty hàng đầu tại Đức.
Siemens là tập đoàn đa ngành nghề hàng đầu tại Đức, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ cao.
Sau hơn 170 năm phát triển, hiện tại Siemens đã có mặt ở hơn 190 quốc gia, sử dụng khoảng 380.000 lao động và tạo ra doanh thu hơn 80 tỷ euro/năm (90,8 tỷ USD/năm).
Trong lĩnh vực turbine khí, Siemens đang ở vị thế hàng đầu thế giới.
Trong khi đó, SAP với tuổi đời mới 47 năm nhưng đã trở thành công ty phần mềm lớn nhất châu Âu và đứng thứ tư trên thế giới, cung cấp các giải pháp phần mềm cho doanh nghiệp, cũng như cơ quan chính phủ.
Tại Việt Nam, SAP đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau như ngân hàng, tài chính, hàng không…
Fraunhofer là một trong những viện nghiên cứu hàng đầu của Đức về khoa học ứng dụng. Hoạt động của viện có sự phối hợp chặt chẽ ba bên, với nhà nước và các doanh nghiệp sản xuất.
[Giới chức Đức đánh giá cao cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Đức]
Nhà nước đầu tư kinh phí, các sản phẩm sau khi nghiên cứu thành công tại Viện Fraunhofer sẽ nhanh chóng được các công ty thương mại hóa, mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như tạo thêm nguồn thu thuế cho nhà nước.
Đức là quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Trong khi đó, Việt Nam hiện đang có nhu cầu đổi mới rất lớn trong lĩnh vực này, tạo xung lực mạnh cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chính vì Đức có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu mà hợp tác trao đổi và đầu tư trong lĩnh vực khoa học công nghệ được xem là một trong những ưu tiên, và có thể trở thành một thành tố quan trọng trong mối quan hệ đối tác chiến lược đang bước vào gia đoạn phát triển mới, sâu rộng giữa hai nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đặc biệt ấn tượng trước những công nghệ ưu việt của các công ty Đức, cũng như tính ứng dụng cao của các sản phẩm nghiên cứu.
Trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn, công ty đến thăm, Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Siemens, SAP và Fraunhofer quan tâm, đầu tư nhiều hơn nữa vào thị trường Việt Nam, như xây dựng các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng Mặt Trời, turbine điện gió phục vụ nhu cầu năng lượng tái tạo của thị trường Việt Nam và khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), xây dựng các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm công nghệ mới, đặc biệt là hợp tác với Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Việt Nam đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì.
Lãnh đạo Siemens, SAP và Fraunhofer đều bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến thị trường Việt Nam, và cho biết đã có những bước đi cụ thể trong quá khứ, hiện tại và tương lai để thúc đẩy hơn nữa việc hợp tác, đầu tư công nghệ giữa hai nước.
Đặc biệt, các tập đoàn, công ty của Đức đều đánh giá cao việc hình thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia của Việt Nam, coi đây là mô hình có thể thu hút được cả nguồn vốn đầu tư và chất xám từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, trong đó có các công ty của Đức./.