Thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, giáo dục Việt Nam-Thái Lan

Thái Lan sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với Việt Nam, bao gồm kế hoạch đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong một số trường đại học ở Thái Lan.
Đại sứ Phan Chí Thành (bên trái) và Tiến sĩ Anek Laothamatas, Bộ trưởng Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thái Lan tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thái Lan sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo với Việt Nam, bao gồm kế hoạch đưa tiếng Việt vào giảng dạy trong một số trường đại học ở Thái Lan.

Tiến sỹ Anek Laothamatas, Bộ trưởng Đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Thái Lan (MHESI) đưa ra lời khẳng định trên trong cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phan Chí Thành ngày 20/3.

Đại sứ Phan Chí Thành bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan trong thời gian qua không ngừng được vun đắp, phát triển trên mọi lĩnh vực trong đó có khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo. Đại sứ cho biết trong lĩnh vực khoa học công nghệ, hai nước đã ký kết “Hiệp định hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo” có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Đại sứ đề nghị Bộ trưởng Anek chỉ đạo các bộ phận liên quan sớm trao đổi thúc đẩy tổ chức kỳ họp thứ nhất của Ủy ban hợp tác hỗn hợp khoa học công nghệ Việt Nam-Thái Lan. Thông qua cuộc họp, hai bên sẽ thống nhất các nội dung đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới cũng như cơ chế đồng tài trợ cho các nhiệm vụ hợp tác nghiên cứu chung, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, công nghệ sinh học, tự động hóa...

Trong lĩnh vực giáo dục, để triển khai nội dung về Tăng cường việc giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan trong Bản ghi nhớ về hợp tác giáo dục được ký kết giữa chính phủ hai nước, Đại sứ Phan Chí Thành đề nghị phía Thái Lan hỗ trợ triển khai chương trình dạy tiếng Việt tại Thái Lan. Trường Đại học Hà Nội cũng đang xây dựng đề án nghiên cứu việc thành lập Trung tâm ngôn ngữ và giáo dục Việt Nam tại Thái Lan.

Đại sứ cũng đề nghị phía Thái Lan hỗ trợ mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam. Hiện nay, Thái Lan đang hỗ trợ 5 trường đại học của Việt Nam dạy tiếng Thái, qua đó đáp ứng một phần nhu cầu đào tạo tiếng Thái của học sinh, sinh viên Việt Nam và góp phần cung cấp nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, công ty của Thái Lan hoạt động tại Việt Nam.

Cơ quan Hợp tác quốc tế của Thái Lan (TICA) cung cấp học bổng cho các giảng viên tham gia chương trình đi đào tạo, bồi dưỡng tại Thái Lan, cung cấp tài liệu và học liệu bằng tiếng Thái cho các trường.

Đại sứ cũng đề xuất MHESI giới thiệu các trường học của Thái Lan để kết nghĩa với các trường học Việt Nam, từ đó tăng cường hoạt động giao lưu học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cấp cơ sở.

[Đẩy mạnh hợp tác kinh tế giữa các địa phương Việt Nam-Thái Lan]

Về phần mình, Bộ trưởng Anek khẳng định, trong thời gian qua, các hoạt động hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Thái Lan và Việt Nam đang ngày càng sôi động và thực chất. Ông cho biết sẽ sớm thúc đẩy để tổ chức cuộc họp Ủy ban hợp tác chung giữa hai nước về khoa học công nghệ. Ông bày tỏ mong muốn cuộc họp sẽ không chỉ là sự kiện gặp gỡ giữa bộ trưởng 2 nước mà còn là nơi kết nối giữa giới trí thức, doanh nhân và doanh nghiệp với những nội dung nội dung thảo luận thực chất, cụ thể.

Bên cạnh đó, Thái Lan sẵn sàng cấp học bổng cho các sinh viên Việt Nam theo học các ngành khoa học kỹ thuật ở Thái Lan, ưu tiên lĩnh vực y tế và điều dưỡng.

Ông Anek nhấn mạnh MHESI rất hoan nghênh kế hoạch thành lập Trung tâm Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam tại Thái Lan và sẵn sàng hỗ trợ các chương trình dạy tiếng Việt trong các trường đại học ở Thái Lan.

Trước mắt, bộ sẽ giới thiệu 3 trường đại học để nghiên cứu triển khai dự án thành lập Trung tâm ngôn ngữ và giáo dục Việt Nam là các trường Đại học Khon Kaen, Đại học Chiang Mai và Đại học Udon Thani. Ông đề nghị phía Việt Nam sớm thống nhất chương trình dạy học, cử chuyên gia cũng như hỗ trợ đào tạo giáo viên, giảng viên cho Thái Lan.

Tiến sỹ Anek cũng nhất trí với đề xuất của Đại sứ Phan Chí Thành về việc mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Thái Lan ở Việt Nam, không chỉ giới hạn trong 5 trường hiện nay và bổ sung thêm thiết bị cho các khoa có dạy tiếng Thái.

Đánh giá cao tinh thần học tập, khả năng hòa nhập của các sinh viên Việt Nam tại Thái Lan, ông Anek khẳng định với sự cần cù, thông minh của sinh viên Việt Nam, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục