Thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh

Chủ tịch Quốc hội mong Bangladesh tạo điều kiện cho nhà đầu tư Việt Nam kinh doanh lâu dài, đồng thời cho biết sẵn sàng đón doanh nghiệp Bangladesh sang tìm hiểu cơ hội ở Việt Nam.
Thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh, ông Joshoda Jibon Deb Nath. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Bangladesh, chiều 22/9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh - ông Joshoda Jibon Nath.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh đã phối hợp với Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức Diễn đàn Chính sách, Pháp luật thúc đẩy Hợp tác Thương mại, Đầu tư giữa hai nước trong khuôn khổ chuyến thăm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết trong cuộc hội kiến với Tổng thống Bangladesh, hai bên đều nhất trí thúc đẩy hợp tác kinh tế hiệu quả và thiết thực hơn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai nước có điều kiện thuận lợi về địa lý, dân số lên đến 270 triệu người và còn nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại hai nước mới ở mức 1,5 tỷ USD, hợp tác đầu tư vẫn còn hạn chế.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn liên đoàn sẽ tăng cường vai trò kết nối để các doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào các khu công nghiệp của Bangladesh, đặc biệt là 100 khu công nghiệp đặc biệt và 26 khu công nghiệp công nghệ cao đã được triển khai gắn với các chính sách thu hút đầu tư của Bangladesh.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong chuyến thăm này có lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cùng hàng trăm doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất chính sách thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư.

Chủ tịch Quốc hội cũng mong Bangladesh tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam tìm hiểu đầu tư, kinh doanh lâu dài, đồng thời cho biết sẵn sàng đón các doanh nghiệp Bangladesh sang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Phó Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh Joshoda Jibon Nath đánh giá cao chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, coi đây là dấu mốc để hai bên cùng nhau trao đổi, xây dựng ý tưởng hợp tác lâu dài.

Trong những thành tựu hợp tác hai nước đã đạt được, hợp tác thương mại đã gia tăng đáng kể khi hai bên đều quan tâm đến xuất, nhập khẩu các mặt hàng của nhau, chú trọng đầu tư các thị trường mới nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Ông Joshoda Jibon Nath cho biết Bangladesh đang chú trọng và nỗ lực đến năm 2026 sẽ ra khỏi nhóm các nước kém phát triển. Bangladesh đang đàm phán để ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), mong muốn Việt Nam đóng vai trò kết nối với thị trường Đông Nam Á. Ngược lại, Bangladesh có thể kết nối hợp tác giữa các nước Nam Á với các nước Đông Nam Á.

Cũng trong chiều 22/9, tại thủ đô Dhaka, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tiếp lãnh đạo Phòng Thương mại và Công nghiệp Bangladesh-Việt Nam (BVCCI) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI).

[Doanh nghiệp Bangladesh quan tâm tìm hiểu cơ hội hợp tác tại Việt Nam]

Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những ý kiến chia sẻ, đề đạt thẳng thắn của lãnh đạo các tổ chức đại diện doanh nghiệp Bangladesh, khẳng định các hoạt động hiệu quả trong thời gian qua đã đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế, thương mại, công nghiệp của Bangladesh cũng như thể hiện vai trò quan trọng làm cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh và Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam làm ăn và kinh doanh tại nước sở tại.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, lãnh đạo BVCCI cho biết BVCCI được thành lập vào năm 2017. Trong thời gian qua, BVCCI đã tích cực phát huy vai trò kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thị trường của nhau; triển khai các nội dung hợp tác chặt chẽ, thường xuyên với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bên cạnh đó, BVCCI luôn phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh tổ chức đa dạng các hoạt động ngoại giao kinh tế ở sở tại, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu các quy định pháp luật sở tại trong lĩnh vực thương mại-đầu tư và tìm kiếm các doanh nghiệp đối tác phù hợp ở Bangladesh.

BVCCI hiện có hơn 50 doanh nghiệp thành viên hoạt động chủ yếu tại thủ đô Dhaka và thành phố Chittagong.

Lãnh đạo các tổ chức BVCCI và DCCI bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam thời gian qua; khẳng định Bangladesh luôn xem Việt Nam là hình mẫu phát triển; luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện Việt Nam-Bangladesh trên nhiều lĩnh vực, như may mặc, phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, hợp tác du lịch, xây dựng hạ tầng...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông báo trong chuyến thăm chính thức lần này, qua các cuộc gặp gỡ, hội đàm, hội kiến với các nhà lãnh đạo Bangladesh, hai bên đều thống nhất quyết tâm làm sâu sắc hơn hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, đề nghị Việt Nam khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các đặc khu kinh tế của Bangladesh; ủng hộ đề nghị của Việt Nam sớm mở đường bay thẳng để thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân…

Về những cơ hội hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên được các doanh nghiệp Bangladesh quan tâm đề đạt, Chủ tịch Quốc hội cho biết Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế phát triển bền vững, có tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ổn định, dân số đông với tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh, thu nhập bình quân đầu người không ngừng được cải thiện. Việt Nam là thị trường lớn, tiềm năng cho việc tiêu thụ hàng hóa, các sản phẩm chất lượng.

Thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka Md. Sameer Sattar chụp ảnh chung với các đại biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Bên cạnh đó, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng với 16 Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đã được ký kết với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)…

Kết hợp với vị trí địa lý thuận lợi và hệ thống logistics ngày càng phát triển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, dễ dàng kết nối đến các thị trường lớn của khu vực cũng như thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, châu Âu, châu Mỹ…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ tin tưởng với tiềm năng, thế mạnh của hai nền kinh tế với dân số đông, trước điều kiện, môi trường đầu tư ngày càng cải thiện, cơ chế chính sách thông thoáng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Bangladesh đến Việt Nam tìm hiểu, kết nối cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh, vì lợi ích của hai bên.

Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội tìm hiểu kinh nghiệm về lĩnh vực cung ứng nguyên liệu, mô hình xanh hóa trong ngành may mặc của Bangladesh, để xúc tiến thương mại, hợp tác nâng cao giá trị gia tăng của các loại sản phẩm…

Nhân dịp này, lãnh đạo các tổ chức đại diện doanh nghiệp Bangladesh bày tỏ mong muốn Việt Nam sớm mở đường bay thẳng để thúc đẩy hợp tác văn hóa, du lịch, giao lưu nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước nắm bắt đầy đủ thông tin, qua đó hiện thực hóa các chương trình thúc đẩy kinh tế, hợp tác kinh doanh mang lại hiệu quả.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo BVCCI và DCCI, với vai trò quan trọng của mình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Việt Nam và Bangladesh để phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp Việt Nam và Bangladesh trong việc tìm hiểu, kết nối, đầu tư kinh doanh giữa hai nước.

Hai tổ chức này cũng cần phối hợp với các cơ quan chức năng của hai nước để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người, môi trường kinh doanh, đầu tư đang ngày một cải thiện của Việt Nam tới cộng đồng doanh nghiệp Bangladesh và ngược lại.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Quốc hội và Chính phủ Việt Nam luôn nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo thông thoáng, minh bạch, thuận lợi, cạnh tranh và phù hợp thông lệ quốc tế, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư.

Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các tập đoàn, doanh nghiệp của Bangladesh trong việc phát triển hoạt động đầu tư kinh doanh, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật./.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Đại biểu dự Diễn đàn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu chứng kiến Lễ ký thỏa thuận hợp tác trong một số lĩnh vực. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục