Thúc đẩy hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào đạt bước đột phá mới

Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hiện khoảng 5,3 tỷ USD với 214 dự án, đứng vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam Khamjane Vongphosy phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Lào. (Ảnh: Đỗ Bá Thành/TTXVN)

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào từ 21-23/3, đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Việt Nam-Lào làm trưởng đoàn, đã có buổi hội đàm chính thức vào chiều 21/3 tại thủ đô Vientiane với đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào do ông Khamjane Vongphosy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam làm trưởng đoàn.

Tham dự hội đàm còn có đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, để chào mừng kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào và 45 năm Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam-Lào, kể từ sau Cuộc gặp cấp cao giữa hai Bộ Chính trị và Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Lào, phía Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam-Lào 2022, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư là Trưởng Ban.

Hiện nay, các bộ, ban, ngành và địa phương của Việt Nam đang tích cực triển khai nhiệm vụ đã thỏa thuận, tổ chức các hoạt động hợp tác giữa hai nước để lập thành tích chào mừng năm đoàn kết hữu nghị.

Đến nay, mặc dù, tình hình kinh tế-chính trị thế giới có nhiều phức tạp, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường, song các Tuyên bố chung và Thỏa thuận cấp cao giữa hai nước vẫn được chú trọng triển khai thực hiện tốt từ Trung ương đến địa phương.

Hợp tác về quốc phòng, an ninh tiếp tục được thực hiện tốt, góp phần giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của mỗi nước; tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định; phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các thế lực thù địch; các loại tội phạm xuyên quốc gia.

Tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Lào khoảng 5,3 tỷ USD với 214 dự án, đứng vị trí thứ 3 trong số các nhà đầu tư nước ngoài tại Lào (sau Trung Quốc và Thái Lan).

Trong hai tháng đầu năm nay, có 1 dự án cấp mới và 2 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đăng ký là 64,3 triệu USD.

Cùng với đó, hai tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 243,2 triệu USD, tăng tới 15,39% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 75,74 triệu USD, giảm 21,94% so với cùng kỳ năm 2021.

Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 167,46 triệu USD, tăng 47,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, kinh phí viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào năm 2022 là 733 tỷ đồng, đã phân bổ xong cho các chương trình hợp tác đang triển khai.

[Thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư giữa Việt Nam và Lào]

Đối với các chương trình, dự án viện trợ mở mới do phía Lào đề xuất chính thức (Công thư số 23 ngày 4/3/2022), Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đang xin ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan. Sau đó, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ Việt Nam để xem xét quyết định. Các kết quả đạt được như đã nêu ở trên là rất tích cực.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế chủ yếu liên quan đến triển khai kế hoạch kết nối hai nền kinh tế còn nhiều bất cập, nhất là kết nối về thể chế, thủ tục hành chính và kết nối cơ sở hạ tầng giao thông; một số dự án chậm tiến độ hoặc phải tạm dừng; kim ngạch thương mại chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của hai bên; công tác duy tu, bảo dưỡng các dự án đã hoàn thành chưa được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Khamjane Vongphosy đánh giá cao hợp tác giữa hai nước Lào-Việt Nam trong thời gian qua. Hai nước đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước và quan hệ hợp tác giữa hai bộ cũng đạt được nhiều hiệu quả thực chất.

“Chuyến thăm và làm việc tại Lào của đoàn đại biểu Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam lần này có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện, đoàn kết đặc biệt Lào-Việt Nam và đồng thời cho thấy hai Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng như hai Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào luôn phối hợp chặt chẽ và luôn hoạt động tích cực,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào bày tỏ tin tưởng trên tinh thần đoàn kết đặc biệt và hợp tác trên cơ sở đồng chí anh em giữa hai nước Lào-Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước cũng như hai Ủy ban hợp tác Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, xứng đáng là đơn vị tham mưu đắc lực cho hai Đảng, hai chính phủ, tiếp tục đưa hợp tác đầu tư Lào-Việt Nam đạt bước đột phá mới, phù hợp với thời kỳ hội nhập.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là luôn coi trọng và dành ưu tiên cao nhất cho việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt-Lào, coi đó là tài sản vô giá, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của mỗi nước.

Trong thời gian tới hai bên tiếp tục phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương, nhất là cuộc gặp thường niên hai Bộ Chính trị và các kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ; phối hợp triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại kỳ họp 44; thúc đẩy các bộ, ban, ngành và địa phương triển khai có hiệu quả các Thỏa thuận đã cam kết để chào mừng Kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào; đồng thời, nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực then chốt là quốc phòng, an ninh, thương mại, đầu tư, kết nối giao thông, giáo dục đào tạo, hợp tác giữa các địa phương và giao lưu nhân dân…

Đối với các dự án đầu tư trực tiếp của Việt Nam tại Lào, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào tiếp tục tạo điều kiện, tham mưu cho Chính phủ có những cơ chế chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Lào…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục