Thúc đẩy hợp tác an ninh biển giữa các lực lượng chấp pháp ở Biển Đông

Thảo luận tại Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông,” nhiều đại biểu cho rằng cấn thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.
Các đại biểu quốc tế trao đổi bên lề hội thảo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 4/12, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao (DAV) phối hợp Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế về “Thúc đẩy hợp tác an ninh biển ở Biển Đông.”

Hội thảo có sự tham dự của 120 đại biểu, trong đó có các học giả từ các nước trong và ngoài khu vực; đại diện gần 30 phái đoàn ngoại giao tại Việt Nam, các chuyên gia, học giả Việt Nam trên lĩnh vực an ninh và luật pháp quốc tế trên biển.

Với sự tham gia của các diễn giả quốc tế và khu vực đến từ Ủy ban Luật pháp quốc tế Liên hợp quốc (UN ILC), Anh, Australia, Pháp, Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Việt Nam, các đại biểu dự Hội thảo đã nghe 9 tham luận và khoảng 20 ý kiến trao đổi tập trung vào ba phiên thảo luận với các nội dung kinh nghiệm khu vực và quốc tế về phân định biển và giải quyết tranh chấp trên biển; các khía cạnh pháp lý trong hoạt động và hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển; thúc đẩy hợp tác giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên Biển Đông.

[Điểm nhấn của Hội nghị cấp cao ASEAN: Nhất trí sớm hoàn tất COC]

Hội thảo diễn ra trong không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở, học thuật; các ý kiến đóng góp có tính chất thiết thực và xây dựng.

Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sỹ Phạm Lan Dung, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao cho biết hội thảo là hoạt động khoa học được Học viện Ngoại giao phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức, thể hiện tinh thần chủ động và trách nhiệm trong việc bảo vệ hòa bình, trật tự khu vực và luật pháp quốc tế; là không gian để các học giả chia sẻ nghiên cứu, quan điểm và tìm kiếm các ý tưởng mới phù hợp, thúc đẩy hợp tác vì an ninh và ổn định trong khu vực.

Tiến sỹ Phạm Lan Dung cũng cho biết, những diễn biến gần đây trên Biển Đông đặt an ninh khu vực vào tình thế các quốc gia ven biển sử dụng lực lượng chấp pháp nhằm áp đặt sức mạnh trên biển, dẫn đến nhiều sự cố không mong muốn trên Biển Đông. Do đó, bây giờ là thời điểm để thảo luận thẳng thắn về tăng cường hợp tác giữa các lực lượng chấp pháp trong khu vực, hạn chế những va chạm đáng tiếc.

Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông Craig Chittick khẳng định, ổn định trong khu vực không đến ngẫu nhiên, mà có sự nỗ lực của các nước, trong đó Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đóng vai trò then chốt. Australia chia sẻ với ASEAN và nhiều nước khác về tầm nhìn chung đối với khu vực và các nguyên tắc vận hành của hệ thống quốc tế, trong đó có giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, các quyền tự do hàng hải và hàng không được tôn trọng, quyền lợi của các nước nhỏ hơn được bảo vệ.

Ông Steph Lysaght, Phó Đại sứ Anh tại Hà Nội nhấn mạnh việc Vương quốc Anh chia sẻ lợi ích trong việc bảo đảm an ninh hàng hải; hội thảo là một cơ hội quý báu để tăng cường hiểu biết về an ninh hàng hải và vai trò của tự do hàng hải đối với thương mại toàn cầu.

Về kinh nghiệm giải quyết tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp vùng biển trong khu vực và trên thế giới, các diễn giả đã chia sẻ thực tiễn đa dạng về nhiều biện pháp hòa bình được sử dụng để dàn xếp các tranh chấp quốc tế. Điển hình như biện pháp hòa giải bắt buộc được sử dụng thành công trong tranh chấp phân định biển giữa Australia và Timor Leste trên biển Timor; Malaysia giải quyết thành công nhiều tranh chấp lãnh thổ với Indonesia và Singapore bằng cách đưa ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ).

Theo các diễn giả, bên cạnh các biện pháp giải quyết tranh chấp có sự tham gia của bên thứ ba, các quốc gia còn đàm phán để đạt được các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn như khai thác chung dầu khí giữa Malaysia và một số nước láng giềng. Một số bài học rút ra từ việc phân định biển, phân vùng hợp tác giữa Nhật Bản và Trung Quốc được các học giả, chuyên gia phân tích để đưa ra các kiến nghị đối với việc phân định biển và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông, nhất là trong lĩnh vực nghề cá.

Các diễn giả đã dành nhiều thời lượng để phân tích khuôn khổ pháp lý, các quy định cơ bản về vận hành hệ thống các cơ quan thực thi pháp luật tại một số quốc gia như Việt Nam, Pháp...

Nhiều ý kiến cho rằng các lực lượng thực thi pháp luật khu vực đã mở rộng nhanh chóng và đang được các quốc gia sử dụng mạnh mẽ để làm công cụ bảo vệ các yêu sách và lợi ích tại Biển Đông. Có ý kiến cho rằng chiến lược “vùng xám” gây ra nghi ngờ, làm suy yếu lòng tin giữa các lực lượng chấp pháp trên biển và gây mất ổn định khu vực. Một số bài học hợp tác thành công giữa các lực lượng chấp pháp ở khu vực được chia sẻ, như mô hình hợp tác chống va chạm không mong muốn trên biển giữa Malaysia và Indonesia, mô hình tuần tra chung trong eo biển Malacca, hợp tác tuần tra chống cướp biển, diễn đàn cảnh sát biển các nước ASEAN, biên bản ghi nhớ về đối xử nhân đạo với ngư dân ...

Tuy nhiên, các diễn giả cũng chỉ ra rằng nhiều mô hình hợp tác hiện vẫn chưa phát huy hết vai trò, do đó cần những thảo luận sâu hơn về vấn đề này trong tương lai. Một số ý kiến đề xuất được nêu ở hội thảo về hợp tác bao gồm việc mở rộng Bộ Quy tắc tránh đụng độ bất ngờ trên biển (CUES) áp dụng với các lực lượng thực thi pháp luật; tổ chức khóa học về luật pháp quốc tế cho các lực lượng chấp pháp các nước ASEAN, tăng cường thúc đẩy các khuổn khổ hợp tác ba bên, nhiều bên, bên cạnh các tiến trình hợp tác của ASEAN.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục