Sự có mặt và tham gia của các doanh nghiệp tại Hội nghị Ngoại giao Kinh tế vừa qua cho thấy Chính phủ hết sức chú trọng đến việc tăng cường hiệu quả của các hoạt động ngoại giao kinh tế theo xu hướng kiến tạo, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp của Chính phủ, các Bộ, ngành và các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu để thực hiện các định hướng lớn được đặt ra cho hoạt động ngoại giao kinh tế.
Đây là khẳng định của ông Lê Hữu Phúc, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bangkok.
Theo ông Lê Hữu Phúc, thông điệp hết sức rõ ràng của hội nghị là “đưa ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của đối ngoại, trở thành động lực quan trọng phục vụ phát triển đất nước” như tinh thần của Chỉ thị Số 15 của Ban Bí thư. Trong đó, các doanh nghiệp được xác định là nhân tố quan trọng để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, phát huy động lực tăng trưởng mới, mở rộng thị trường mới; khai thác hiệu quả các hiệp định về khu vực thương mại tự do; phát huy nguồn lực của kiều bào ta ở nước ngoài phục vụ ngoại giao kinh tế của đất nước.
Về tình hình hợp tác kinh tế giữa hai nước, ông Lê Hữu Phúc cho biết Thái Lan là đối tác số 1 của Việt Nam trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong khi Việt Nam là đối tác số 2 của Thái Lan sau Malaysia.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt xấp xỉ 19 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 7,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD.
Một điểm sáng là Việt Nam đã xuất siêu các sản phẩm nông nghiệp, khoảng 250 triệu USD trong năm 2023, sang Thái Lan. Thâm hụt thương mại của Việt Nam với Thái Lan còn 4,61 tỷ USD, giảm gần 30% trong năm 2023.
Về đầu tư, cho đến nay, Thái Lan có hơn 700 dự án còn hiệu lực đang triển khai ở Việt Nam với tổng số vốn đầu tư gần 15 tỷ USD, xếp vị trí thứ 9 trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn tại Việt Nam.
Trong khi đó, Việt Nam đầu tư sang Thái Lan chưa nhiều, với tổng vốn khoảng 32 triệu USD, chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực như phân phối, hàng tiêu dùng.
Ông Lê Hữu Phúc khẳng định quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn hết sức tốt đẹp đã tạo thuận lợi cho việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn Thái Lan.
Sau 10 năm kể từ khi thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, kim ngạch thương mại Việt Nam-Thái Lan đã tăng 230% từ 9,4 tỷ lên 21,6 tỷ USD vào năm 2022. Nền kinh tế hai nước vẫn đang trên đà tăng trưởng.
Bên cạnh đó, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được cải thiện trên thế giới, cộng với đội ngũ kiều bào đông đảo với hàng trăm doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan luôn hướng về Tổ quốc cũng góp phần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy triển khai công tác ngoại giao kinh tế tại địa bàn.
Tuy vậy, đại diện Thương vụ Việt Nam nhìn nhận cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa các nước lớn đang làm dịch chuyển các dòng thương mại, đầu tư. Đặc biệt, các cuộc xung đột trên thế giới có nguy cơ làm gián đoạn nguồn cung, chuỗi cung ứng.
Ngoài ra, sự bất ổn về chính sách vĩ mô giữa các nước lớn tạo ra dao động lớn về tỷ giá, lãi suất dự trữ, lạm phát…, gây rủi ro và gia tăng chi phí cho các hoạt động thương mại đầu tư.
Bên cạnh đó, việc Thái Lan và Việt Nam có cơ cấu kinh tế tương đồng cũng làm tăng mức độ cạnh tranh đối với các sản phẩm truyền thống ví dụ như mặt hàng trái cây.
Hiện Việt Nam đã mở cửa cho 28 trái cây Thái Lan xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Việt Nam mới được phép xuất bốn loại trái cây sang Thái Lan gồm thanh long, nhãn, xoài và vải.
Một số loại trái cây khác như bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo… hiện vẫn chưa đạt được thỏa thuận với Thái Lan dù vấn đề này đã được đưa ra ở nhiều cơ chế hợp tác giữa hai nước.
Ông Lê Hữu Phúc cũng cho biết bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan sẽ chú trọng hợp tác kinh tế địa phương, nhất là giữa các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi tập trung đông đảo kiều bào ta sinh sống, với các tỉnh miền Trung của Việt Nam.
Với điều kiện gần gũi về địa lý, hợp tác giữa hai vùng này là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh hợp tác thương mại với Thái Lan, nhất là thương mại biên giới qua Lào; đồng thời tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của nhau qua các sản phẩm địa phương theo chương trình OTOP của Thái Lan và chương trình OCOP của Việt Nam.
Liên quan kết nối chuỗi cung ứng, ông Lê Hữu Phúc cho biết Thương vụ sẽ thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm và xây dựng đại lý, hiện diện thương mại tại Thái Lan; giới thiệu, đưa hàng Việt Nam tiêu thụ tại các siêu thị của Thái Lan thông qua hợp tác với các hệ thống siêu thị lớn tại nước này như Central, Marko, TCC...; hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động hợp tác trong công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô như tìm kiếm và kết nối các nhà sản xuất linh phụ kiện.
Ông Lê Hữu Phúc khẳng định nhu cầu hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan vẫn không ngừng được mở rộng và cơ hội kinh doanh mới sẽ xuất hiện khi cả hai nước đều bắt đầu phát triển những ngành kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo.
Trong bối cảnh cả hai nước đang nỗ lực đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đặc biệt là giảm phát thải ròng xuống bằng 0, Thương vụ sẽ nỗ lực tìm kiếm các cơ hội kết nối doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo.
Đây cũng là xu thế tất yếu và còn nhiều dư địa để thúc đẩy hợp tác song phương trong tương lai./.
Việt Nam và Thái Lan nỗ lực nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng 25 tỷ USD là mục tiêu trong tương lai gần, Việt Nam và Thái Lan cần phấn đấu đạt kim ngạch thương mại hai chiều cao hơn nữa theo hướng cân bằng và bền vững.