Tiếp tục cung cấp các thông tin về kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn thực phẩm, phát triển thị trường tới các doanh nghiệp hai nước, ngày 8/3, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy thương mại nông sản, thủy sản và sản phẩm thủy sản giữa Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Tây)."
Chia sẻ về thương mại thủy sản Việt Nam-Trung Quốc trong bối cảnh mới, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Từ vị trí số 3, Trung Quốc đã vươn lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau Hoa Kỳ.
Theo ông Nam, Quảng Tây là địa phương lớn thứ 3 ở Trung Quốc về nhập khẩu thủy sản Việt Nam, sau Quảng Đông và Trạm Giang. Cụ thể, Quảng Tây chiếm 6% khối lượng và 11% giá trị nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Trung Quốc. Việt Nam là nguồn cung thủy sản số 1 cho Quảng Tây khi chiếm 69% khối lượng và 75% giá trị nhập khẩu của tỉnh này.
Từ những tiềm năng, thuận lợi đó, ông Nguyễn Hoài Nam đề xuất, Việt Nam cần tăng cường xúc tiến thương mại, giao thương giữa các doanh nghiệp với các địa phương Trung Quốc. Đồng thời, hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ duyệt hồ sơ cho các doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc. Đặc biệt, các cơ quan cần cập nhật, cung cấp thông tin về nhu cầu, quy định của thị trường và các địa phương của Trung Quốc cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tham dự diễn đàn, ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc tại Quảng Tây, đến từ Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Công nghiệp Đông Đằng cho biết, công ty có văn phòng tại Hà Nội, Lạng Sơn, Lào Cai. Chiến lược của công ty là lập các văn phòng phủ khắp các thành phố ở Trung Quốc và Việt Nam.
Năm 2023, Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư Công nghiệp Đông Đằng dự kiến mua 35.000 tấn sầu riêng; trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Ngoài ra, công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác.
Ông Tô Vạn Quang cho biết công ty đang xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam tại thành phố Phòng Thành Cảng. Chính quyền thành phố Phòng Thành Cảng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn một có khả năng lưu trữ 200.000 tấn; giai đoạn hai có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản.
Ông Tô Vạn Quang cho hay thời gian tới, thủy hải sản Việt Nam có thể vào thị trường Trung Quốc với số lượng lớn, nhanh chóng. Trung tâm Giao dịch Thủy sản Việt Nam cũng sẽ là nơi các bên mua bán có thể trực tiếp gặp gỡ, giao dịch, tăng mức độ yên tâm,
[Thương mại hai chiều Việt Nam-Trung Quốc vượt 11 tỷ USD tháng đầu năm]
Bà Trần Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Quản lý cửa khẩu Quốc tế Móng Cái, cho biết thời gian qua, lượng hàng nông, thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 60%/năm.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, theo bà Ngọc, các doanh nghiệp cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn nữa trong cách nghĩ, cách quản lý, quy hoạch sản xuất kinh doanh theo hướng "chủ động nắm bắt cơ hội, tích cực tham gia hội nhập."
Doanh nghiệp tập trung khai thác, tận dụng tối đa công nghệ số, công nghệ thông tin, tận dụng tối đa tính ưu việt của các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng cường quảng bá sản phẩm; không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa từ khâu nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, đóng gói, vận chuyển xuất khẩu.
Doanh nghiệp cũng cần đẩy nhanh thay đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn, có các tiêu chuẩn cụ thể, quản lý quy trình canh tác, đáp ứng yêu cầu quy định của nước bạn. Mặt khác, cần chủ động, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp xuất khẩu trên nguyên tắc cùng nắm bắt, cùng khai thác thị trường.
Tại diễn đàn, có ý kiến phản ánh thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Trung Quốc đã thực hiện đăng kí theo Lệnh 248, nhưng phía Trung Quốc có sự thay đổi cách thức đăng ký trên hệ thống CIFER, khiến cho thời gian đăng ký và phê duyệt mã số của doanh nghiệp bị chậm trễ.
Phản hồi về vấn đề này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhấn mạnh sau khi ban hành Lệnh 248, đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chưa thay đổi nội dung các quy định. Theo thông lệ quốc tế, nếu muốn thay đổi các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm và đăng kí doanh nghiệp, bên phía Trung Quốc bắt buộc phải lấy ý kiến các thành viên của WTO.
Văn phòng SPS Việt Nam đã có những trao đổi với các cơ quan thẩm quyền Trung Quốc để đẩy nhanh tốc độ phê duyệt hồ sơ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh việc tạo điều kiện đẩy nhanh thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh và các cơ quan liên quan của Trung Quốc phối hợp tổ chức diễn đàn xúc tiến thương mại trực tiếp tại Đông Hưng (Trung Quốc) trong thời gian sớm nhất. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước có thể thương thảo trực tiếp với nhau, xây dựng các chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu nông sản.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, vừa qua, các sản phẩm nông sản có rủi ro thấp, đặc biệt là các sản phẩm chế biến sâu đã được đăng ký trực tiếp với cơ quan hải quan Trung Quốc mà không đăng kí qua cơ quan chức năng Việt Nam. Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan Trung Quốc yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra lại các hồ sơ này thì Bộ không nắm được địa chỉ. Đó chính là một nguyên nhân trong việc chậm trễ khi phê duyệt hồ sơ.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu nông sản chế biến sâu sang Trung Quốc cần cùng một lúc gửi hai hồ sơ tới các cơ quan chức năng của Bộ và hải quan Trung Quốc.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970 nghiên cứu đề xuất thành lập Câu lạc bộ doanh nghiệp nông, thủy sản Việt Nam-Trung Quốc, là thành viên của Diễn đàn 970 nhằm kết nối, thông tin về thị trường nông sản./.