Thúc đẩy dòng vốn xanh hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững, việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong-ngoài nước từ các khu vực khác nhau là rất quan trọng và cấp thiết.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD.

Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), việc thực hiện cam kết phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam cần khoảng 330-370 tỷ USD.

Cần sự tham gia từ nhiều nguồn lực

Tại Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 10/9, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nhấn mạnh cơn bão Yagi là điển hình cho diễn biến ngày càng thất thường và khắc nghiệt của biến đổi khí hậu, cũng cho thấy sự khốc liệt của thiên tai.

Về tầm nhìn, Việt Nam đã xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg (ngày 1/10/2021) phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

457808495_1204051897484660_8589950248721494897_n.jpg
Diễn đàn “Hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại Việt Nam: Thúc đẩy dòng vốn xanh,” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày 10/9. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra nhu cầu tài chính cho các biện pháp giảm phát thải trong từng lĩnh vực theo cam kết môi trường của Việt Nam đến năm 2030 là khoảng 68,75 tỷ USD. Trong đó, nguồn quốc gia tự thực hiện dự báo khoảng 24,72 tỷ USD, chiếm 36% và nhu cầu đối với nguồn lực hỗ trợ của quốc tế dự kiến khoảng 44,03 tỷ USD, chiếm 64%. Việt Nam đang rất cần nguồn lực để thực hiện các cam kết về khí hậu theo Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 26 (COP26) về thích ứng với biến đổi khí hậu và các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững quốc gia.

Do đó, bà Đỗ Thị Phương Lan cho rằng việc huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực tài chính trong-ngoài nước và từ các khu vực khác nhau trong nền kinh tế là rất quan trọng và cấp thiết nhằm đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh, hướng đến phát triển bền vững.

Theo bà Đỗ Thị Phương Lan, nguồn lực tài chính thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam đã được xác định trong Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 (Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/7/2022) bao gồm ngân sách Nhà nước (như ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, chính sách ưu đãi về thuế), khu vực tư nhân (như tín dụng xanh, trái phiếu doanh nghiệp xanh, thu từ trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon…), hỗ trợ quốc tế (như vốn hỗ trợ phát triển chính thức-ODA, vốn hỗ trợ và vay ưu đãi cho tăng trưởng xanh) và cộng đồng xã hội khác (như vốn huy động công-tư và các quỹ trong nước).

Hoàn thiện khung pháp lý

Về cơ bản, các chính sách và định hướng phát triển tài chính xanh cũng như về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ.

Cụ thể, bà Nguyễn Thanh Nga, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cho biết thời gian qua, chính sách thu ngân sách phát huy hiệu quả, điều tiết hành vi theo hướng khuyến khích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, chính sách động viên ngân sách Nhà nước được điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có thêm nguồn lực cho đầu tư và tiêu dùng. Điều này góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển.

Về chính sách chi ngân sách, bà Nguyễn Thanh Nga cho hay cơ quan Nhà nước đã hoàn thiện các quy định ưu tiên chi đầu tư và chi thường xuyên cho mục tiêu tăng trưởng xanh; Xây dựng các chương trình, chiến lược và các kế hoạch hành động quốc gia liên quan tăng trưởng xanh; Hoàn thiện các quy định về mua sắm công trong sử dụng các sản phẩm dán nhãn năng lượng, dán nhãn xanh bảo vệ môi trường. Thêm vào đó, khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường chứng khoán xanh đã từng bước được hình thành và một số chính sách tài chính xanh khác (bảo hiểm xanh, phát triển thị trường tín chỉ carbon) đã được ban hành.

Hình ảnh 1 nhà máy Samsung tại Bắc Ninh.jpg
Về cơ bản, các chính sách và định hướng phát triển tài chính xanh cũng như về tín dụng xanh, trái phiếu xanh đã được ban hành khá đầy đủ. (Ảnh: Vietnam+)

Từ góc độ Chiến lược phát triển Thị trường chứng khoán đến năm 2030, ông Tô Trần Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chia sẻ về mục tiêu phát triển các công cụ tài chính xanh, tài chính bền vững. Đây là các trụ cột quan trọng trong việc xây dựng thị trường vốn xanh, bền vững, từ đó góp phần phát huy vai trò của kênh huy động vốn trung và dài hạn. Đây cũng là nguồn tài chính cần thiết cho các dự án liên quan đến năng lượng tái tạo, công nghệ sạch, xanh và các dự án bảo vệ môi trường khác, từ đó giúp làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng không tái tạo và khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Về thị trường tín dụng, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực chia sẻ đến hết tháng Sáu, tổng dư nợ tín dụng xanh trong hệ thống ngân hàng đạt gần 680 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội chiếm hơn 21% tổng dư nợ hệ thống tổ chức tín dụng và tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.

Về trái phiếu xanh, ông Cấn Văn Lực cho hay giai đoạn 2016-2020, Việt Nam ghi nhận có 4 đợt phát hành trái phiếu xanh, giá trị 284 triệu USD. Đến giai đoạn 2019-6/2024, toàn thị trường đã phát hành khoảng 1,16 tỷ USD trái phiếu xanh.

Chuyển đổi tư duy

Tuy nhiên, nhấn mạnh xanh hóa nền kinh tế là chặng đường chuyển đổi tư duy và chính sách toàn diện, cần có lộ trình cụ thể cũng như huy động đủ các nguồn lực, ông Lê Hoàng Lân, đại diện Vụ Tài chính, Tiền tệ, Bộ Kế hoạch và Đầu, cho biết các doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh. Hiện, các dự án xanh hiện tại còn dàn trải, phân mảnh, chủ yếu được tổ chức theo từng bộ, ngành, lĩnh vực, thiếu cơ chế hỗ trợ xuyên suốt cho các công nghệ xanh mới và đột phá.

Theo vị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp đầu tư gặp khó khăn trong quá trình cập nhật thông tin phân tích thị trường, khó đưa ra lựa chọn dự án và địa điểm phù hợp. Thêm vào đó, họ bị hạn chế trong việc hợp tác với cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp khác để phối hợp triển khai các dự án trọng điểm. Điều này đã làm chậm quá trình chuyển giao công nghệ, đặc biệt đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đây là nguyên nhân giảm động lực của doanh nghiệp và những cá nhân muốn tham gia vào các sáng kiến xanh, dẫn đến chậm trễ trong việc hình thành một hệ sinh thái kinh tế xanh toàn diện.

Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Lân nhấn mạnh doanh nghiệp còn khá khó khăn về vốn để có nguồn lực mở rộng sản xuất, từng bước trở thành doanh nghiệp xanh, hằng năm, mỗi doanh nghiệp yêu cầu quy mô vốn đầu tư cho máy móc, công nghệ, nhưng nguồn vốn vay từ ngân hàng với lãi suất ưu đãi, hay từ quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo vẫn rất khiêm tốn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Từ thực tiễn doanh nghiệp, bà Diệp Thị Kim Hoàn, Giám đốc Phát triển Bền vững, Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C, Hải Phòng, chỉ ra một số khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận tài chính xanh. Đầu tiên là thiếu thông tin về các đơn vị cấp tín dụng xanh và chi phí tài chính thực tế, tiêu chí dự án xanh chưa cụ thể, rõ ràng. Trong khi, các quỹ tín dụng xanh đa phần không chấp nhận tài sản đảm bảo, do đó doanh nghiệp cần có bảo lãnh ngân hàng. Đặc biệt, các dự án hầu hết có quy mô nhỏ nên khó tiếp cận vốn vay nước ngoài cộng thêm rủi ro về chênh lệch tỷ giá.

Theo đó, bà Diệp Thị Kim Hoàn đề xuất một số giải pháp quan trọng, nhằm thúc đẩy nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Một là phát triển khung pháp lý với các tiêu chí đánh giá dự án xanh rõ ràng, có các chính sách hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (như ưu đãi lãi suất, gia hạn thời gian trả nợ, bảo lãnh tín dụng cho các dự án xanh, thủ tục đơn giản). Hai là tạo quỹ đầu tư xanh để hỗ trợ tài chính cho các dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là trong các lĩnh vực (như năng lượng tái tạo, quản lý chất thải, hạ tầng dựa theo tự nhiên). Ba là các doanh nghiệp có thể liên kết với các tổ chức quốc tế, tham gia vào các dự án hợp tác hoặc nhận tận dụng các chương trình hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế (như World Bank, IFC hoặc ADB…).

“Cần thúc đẩy mạnh mẽ nguồn tài chính xanh cho các doanh nghiệp Việt Nam,” bà Diệp Thị Kim Hoàn nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục