Thúc đẩy công nghiệp: Tạo thêm năng lực cho sản xuất, nguồn hàng cho xuất khẩu

Theo đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, năng lực của các doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, là những tín hiệu mới tích cực.

Nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Nhiều doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong nửa đầu năm 2024. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo ước tăng 8,5%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 13%; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%.

Đáng chú ý, sản xuất công nghiệp tăng trưởng trên diện rộng với 56/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.

Để đạt được các kết quả trên, theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục công nghiệp (Bộ Công Thương) là nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm, thu hút các nguồn vốn FDI, mở rộng sản xuất…

Nhiều kết quả khả quan

- Thưa ông, sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế? Vậy đâu là giải pháp quan trọng giúp sản xuất công nghiệp đạt được các kết quả này?

Ông Phạm Tuấn Anh: Tiếp theo đà phục hồi từ cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024, sản xuất công nghiệp trên cả nước cho thấy những kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của nền kinh tế.

Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu nằm ở một số điểm như: hiệu quả từ các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ, các chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong giải ngân vốn đầu tư công, triển khai các dự án công nghiệp trọng điểm. Cùng đó là kết quả thu hút, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khả quan giúp tăng thêm năng lực cho sản xuất trong nước.

Ngoài ra, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã đồng hành cùng các hiệp hội, doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội mang lại từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết trong bối cảnh thị trường thế giới phục hồi, các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng tích cực trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: dệt may, da giày, điện tử, chế biến thực phẩm.

Hơn nữa, các kết quả nổi bật trong công tác đối ngoại về kinh tế, đặc biệt với các đối tác thương mại lớn của nước ta, như: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp (gần đây nhất là chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng rõ nhất cho điều này).

Thực tế cho thấy, năng lực của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp trong nước đã được cải thiện nhờ tác động tổng hợp từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đây là những tín hiệu mới tích cực khi doanh nghiệp trong nước tăng trưởng xuất khẩu gấp gần 2 lần doanh nghiệp FDI và niềm tin được củng cố nhờ môi trường kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và xu hướng phục hồi của thị trường thế giới.

- Nguồn vốn đầu tư công những năm qua liên tục tăng cao. Cụ thể, trong năm 2024 nguồn vốn đầu tư công lên tới hơn 657.000 tỷ đồng. Vậy, theo ông, các ngành công nghiệp trong nước đã phát huy lợi thế này như thế nào?

Ông Phạm Tuấn Anh: Có thể thấy, đầu tư công tác động đến phát triển công nghiệp theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể, tác động gia tăng tổng cầu của thị trường để tạo động lực dẫn dắt đầu tư tư nhân trong toàn xã hội, trong đó có đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp.

Tiếp đến là các dự án đầu tư công tập trung chủ yếu vào các dự án hạ tầng, qua đó việc giải ngân vốn đầu tư công liên tục tăng cao đồng nghĩa với việc hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hóa ngày càng được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho các hoạt động của doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tự tin hơn khi đầu tư vào các hoạt động sản xuất.

Với cơ sở hạ tầng hoàn thiện cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu lưu thông hàng hóa lớn hơn, trực tiếp tạo sức cầu cho các ngành sản xuất hàng hóa. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư công lớn trong lĩnh vực hạ tầng như: đường cao tốc, năng lượng… còn là thị trường tiềm năng rất lớn cho một số ngành công nghiệp như: luyện kim, vật liệu xây dựng, cơ khí chế tạo… Hiện nay, hệ thống đường cao tốc Bắc-Nam đang dần được hoàn thiện cũng sẽ là động lực thúc đẩy mạnh mẽ ngành sản xuất phương tiện vận tải, như ôtô…

IMG_6070.jpg
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sức cầu của thị trường kém, tiêu dùng tư nhân chưa phát huy được nhiều vai trò thúc đẩy sức cầu cho sản xuất, thì với những nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thì việc Chính phủ chỉ đạo đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư công lớn có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc tạo động lực mới cho sản xuất công nghiệp.

Trên thực tế, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong nước có thể nói đã tận dụng tốt nguồn động lực này để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, bên cạnh thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chính phủ cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, do vậy các doanh nghiệp công nghiệp mới có thể duy trì được hoạt động sản xuất bình thường trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Phát huy đà tăng trưởng công nghiệp tại địa phương

- Theo nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp đã có sự tăng trưởng trở lại nhưng vẫn chưa ổn định và rất cần những giải pháp phát triển công nghiệp chủ lực, để có thể tăng trưởng tốt hơn ở cả trung và dài hạn, vậy ông có thể cho biết các giải pháp phát triển công nghiệp của ngành Công Thương thời gian tới?

Ông Phạm Tuấn Anh: Như đã đề cập ở trên, mặc dù đạt kết quả tăng trưởng khả quan trong 6 tháng vừa qua, tuy nhiên công nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều thách thức cả ở ngắn hạn và dài hạn.

Theo đó, mặc dù đã được cải thiện nhiều, tuy nhiên nội lực của các ngành sản xuất trong nước vẫn còn yếu. Những điểm nghẽn lớn của công nghiệp trong thời gian qua vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Nền sản xuất vẫn phụ thuộc lớn vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là phụ thuộc vào khu vực FDI. Giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp trong nước còn thấp. Công nghiệp hỗ trợ dù được quan tâm song vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, chưa có nhiều sản phẩm công nghiệp nội địa có hàm lượng công nghệ cao.

Thực tế, sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện. Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm, còn 7/63 địa phương có chỉ số IIP giảm. Một số ngành sản xuất chủ lực vẫn giảm so với cùng kỳ, như: điện thoại thông minh, tivi, ôtô, sắt thép… Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: giày dép, gỗ, điện thoại các loại và các linh kiện khác… mặc dù phục hồi tích cực song vẫn chưa về lại mức đỉnh của cùng kỳ năm 2022.

Do đó, trong 6 tháng cuối năm cũng như các năm tiếp theo, trong bối cảnh trong và ngoài nước đặt ra nhiều thách thức các ngành sản xuất trong nước, trong đó tình hình thế giới và khu vực vẫn có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh trong nước ngày càng gia tăng và sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, cộng với rủi ro chuỗi cung ứng chuỗi sản xuất toàn cầu. Hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào một số thị trường, mặt hàng và khu vực FDI, chưa kể một số mặt hàng xuất khẩu sang EU, Mỹ tiếp tục phải đối mặt với áp lực điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật.

HINH HRC.jpgSản xuất thép của các doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong nước, dù thị trường bất động sản đã phục hồi nhưng vẫn còn khá chậm, thị trường trong nước tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, do đó cũng cần có nhiều giải pháp đồng bộ, dài hạn và vững chắc thì mới có thể đảm bảo tăng trưởng ổn định, bền vững cho các ngành công nghiệp.

Có 4 nhóm giải pháp chính, đó là chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành xuất khẩu chủ lực, như dệt may, da giày và các ngành nền tảng như: ôtô, cơ khí và thép… Cùng đó, thúc đẩy và đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.

Bộ Công Thương sẽ tập trung tham mưu hoàn thiện các thể chế, chính sách pháp luật, chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên cơ sở cho các nguồn lực tăng trưởng mới các ngành công nghiệp trong ngắn hạn cũng như dài hạn.

Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình làm việc với các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại địa phương và các vùng kinh tế trọng điểm. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tận dụng các cơ hội từ các dự án đầu tư công lớn và các chính sách khôi phục thị trường bất động sản của Chính phủ, khuyến khích việc tăng cường mua sắm trong nước, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới các ngành xuất khẩu chủ lực, như: dệt may, da giày và điện tử…

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục