Thúc đẩy công bằng khí hậu thông qua cách tiếp cận pháp quyền

Đại sứ Đặng Hoàng Giang khẳng định tiến trình thúc đẩy công bằng khí hậu mà các nước, trong đó có Vanuatu và Việt Nam, phối hợp thực hiện thời gian qua đã có nhiều tiến triển.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu khai mạc hội thảo. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Ngày 26/10, trong khuôn khổ Tuần lễ luật pháp quốc tế thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79, Phái đoàn hai nước Việt Nam và Vanuatu tại Liên hợp quốc đã phối hợp cùng Tổ chức Phát triển Luật Quốc tế (IDLO) tổ chức hội thảo với chủ đề: Thúc đẩy công bằng khí hậu thông qua thủ tục xin ý kiến tư vấn các cơ quan tư pháp quốc tế.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều diễn giả đến từ nước đồng tổ chức và một số cơ quan của Liên hợp quốc hay các tổ chức quốc tế như Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), IDLO, Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN), Tổ chức thanh niên thế giới vì công bằng khí hậu.

Các diễn giả chính tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một trong những thách thức cấp bách nhất mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt, tác động nhiều mặt đến nhiều nước, nhất là các quốc gia ven biển và các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là những nhóm người dễ bị tổn thương tại các nước này như phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi.

Thực tế này cho thấy các quốc gia cần tiếp tục hợp tác đẩy mạnh hành động trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thông qua các tiến trình thảo luận về khí hậu hiện có và thủ tục pháp lý tại cơ quan tư pháp quốc tế.

Đại sứ Việt Nam khẳng định tiến trình thúc đẩy công bằng khí hậu mà các nước, trong đó có Vanuatu và Việt Nam, phối hợp thực hiện thời gian qua đã có nhiều tiến triển như việc Tòa án Luật biển Quốc tế hồi tháng 5/2024 đã ban hành ý kiến tư vấn về trách nhiệm của quốc gia đối với môi trường biển và biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), hay Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) đang xem xét cho ý kiến tư vấn về trách nhiệm của các quốc gia đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Tại hội thảo, các diễn giả và đại biểu tham dự cùng trao đổi về những kết quả đã đạt được và phương hướng thúc đẩy công bằng khí hậu thông qua cách tiếp cận pháp quyền, tăng cường trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh thực hiện các cam kết khí hậu, trách nhiệm quốc gia và hợp tác đa phương để giảm thiểu những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đối với các thế hệ hiện tại và tương lai.

Tham gia với tư cách diễn giả tại hội thảo, Phó giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, ứng cử viên của Việt Nam cho vị trí Thẩm phán Tòa án Luật biển Quốc tế (ITLOS) nhiệm kỳ 2026-2035, nhận định các tòa án quốc tế và khu vực có vai trò ngày càng tăng trong giải quyết các khía cạnh pháp lý về biến đổi khí hậu những năm gần đây.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao, phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh cách tiếp cận tổng thể mà ITLOS áp dụng trong việc xác định trách nhiệm của các quốc gia trong lĩnh vực môi trường biển và biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi các nước và các tổ chức quốc tế cùng nhau chia sẻ quan điểm tại phiên điều trần sắp tới tại ICJ để tòa án này có thêm cơ sở xem xét đầy đủ các khía cạnh, các chế định khác nhau của luật quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu.

Hội thảo đã thu hút sự tham gia và thảo luận sôi nổi của hơn 70 đại biểu, đại diện các nước dự phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, cán bộ pháp lý phái đoàn các nước tại New York và đại diện các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục