Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, ngoại giao phục vụ phát triển, trong đó ngoại giao kinh tế làm trọng tâm là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành Ngoại giao Việt Nam.
Nhằm nhìn lại những đóng góp của ngành Ngoại giao với phát triển kinh tế trong bối cảnh đại dịch và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, phóng viên TTXVN đã thực hiện chùm hai bài viết: “Ngoại giao đồng hành cùng doanh nghiệp vượt đại dịch, hội nhập quốc tế.”
Bài 1: Thúc đẩy chuyển biến nhận thức và hành động ngoại giao kinh tế
Cách đây 10 năm, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 về “Về tăng cường công tác ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, tạo dấu mốc quan trọng, thúc đẩy nhận thức, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương trong ngoại giao kinh tế.
Thống nhất nhận thức triển khai
Trong 10 năm qua, công tác ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành đã thực hiện rất mạnh mẽ, hiệu quả, quyết liệt, có nhiều đóng góp vào thành tựu chung của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá: “Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế có những bước tiến quan trọng, là một điểm sáng trong công tác đối ngoại, đưa nước ta trở thành một trong những nước đi đầu khu vực trong thúc đẩy và tham gia các liên kết kinh tế quốc tế, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.”
Việt Nam mở rộng, thiết lập khuôn khổ quan hệ kinh tế-thương mại song phương với tất cả các đối tác, tạo mạng lưới đối tác kinh tế với 17 hiệp định thương mại tự do; phát triển tư duy nâng tầm đối ngoại đa phương, lấy ngoại giao kinh tế làm trọng tâm.
Bộ Ngoại giao tích cực tìm hiểu, nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế, các xu thế phát triển của kinh tế thế giới, từ đó tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong công tác hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế của đất nước.
[Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế để chống dịch và phát triển kinh tế]
Từ đó, góp phần thiết lập quan hệ thương mại với hơn 224 quốc gia và vùng lãnh thổ, mở ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng, đóng góp vào tăng kim ngạch thương mại từ 2,9 tỷ USD vào năm 1986 lên trên 500 tỷ USD vào năm 2019.
Đến nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tạo lập khuôn khổ quan hệ ổn định với 30 đối tác chiến lược, toàn diện. Bộ Ngoại giao chủ động lồng ghép nội dung hợp tác kinh tế vào tiếp xúc cấp cao, đồng thời tích cực hỗ trợ, đôn đốc, thúc đẩy nhằm cụ thể hóa thỏa thuận, cam kết cấp cao.
Ngành Ngoại giao đã tích cực vận động, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các đối tác hàng đầu trên thế giới, góp phần đưa FDI tăng từ 1,6 triệu USD (năm 1986) lên 38 tỷ USD vào năm 2019…
Các hoạt động xúc tiến quảng bá bên lề các hoạt động cấp cao, các sự kiện xúc tiến tổng hợp như chuỗi Tuần, Ngày Việt Nam ở nước ngoài, các hội nghị, tọa đàm, sự kiện quảng bá về đầu tư, thương mại, du lịch do các Cơ quan đại diện tổ chức... phát huy hiệu quả tối đa.
Qua đó khẳng định với bạn bè thế giới về một Việt Nam phát triển, năng động, giàu bản sắc, mở ra những cơ hội lớn về hợp tác kinh tế của đất nước.
Bộ Ngoại giao chủ động trong tham mưu, đề xuất sự tham gia, đóng góp sáng kiến của Việt Nam tại các tổ chức, cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, giúp tiếp cận các nguồn lực phát triển và bảo vệ các lợi ích thiết thực của đất nước.
Với mục tiêu phục vụ quá trình hội nhập và phát triển đất nước, việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp được Bộ Ngoại giao coi trọng, quan tâm triển khai thực chất, song hành cùng các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong xúc tiến kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế, giúp tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất-nhập khẩu, kết nối với các đối tác tiềm năng, thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch, chuyển giao công nghệ… Qua đó, cùng tạo nên những thành tựu chung, quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước.
Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, ngoại giao kinh tế đã dần thống nhất nhận thức, nội hàm và phương châm thực hiện “đột phá, mở đường, tham mưu, song hành và đôn đốc” và trở thành một trong ba trụ cột quan trọng của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam.
Những ăngten kinh tế đối ngoại quan trọng
Công tác ngoại giao kinh tế thời gian tới tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, các giải pháp, nhiệm vụ nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng như Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2021-2025, đặc biệt là phương châm “Xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Bảo vệ lợi ích chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân Việt Nam trong các tranh chấp kinh tế, thương mại và đầu tư quốc tế.”
Tại các cuộc gặp mặt đại sứ, trưởng cơ quan đại diện Việt Nam mới được bổ nhiệm trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, Lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhấn mạnh, kinh tế đang trở thành trọng tâm của ngoại giao, cần phục vụ tốt các địa phương, doanh nghiệp.
Đại sứ, trưởng cơ quan đại diện chính là người góp phần triển khai thỏa thuận đạt được với các nước, do đó cần sáng tạo, bền bỉ, quyết tâm cao, phát huy vai trò là ăng-ten quan trọng, tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đường lối, công tác đối ngoại.
Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Minh Hằng cho rằng, với quan điểm chỉ đạo trên, 5 năm tới là giai đoạn có ý nghĩa rất quyết định với Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và 2045 khi tình hình thế giới, khu vực chuyển biến rất nhanh, mang tính bước ngoặt, các nước đều nỗ lực vươn lên.
Trên nền tảng vị thế và vai trò, tiềm lực kinh tế đất nước ngày càng đi lên sau 35 năm đổi mới, hội nhập, trong đó có sự phát triển, lớn mạnh của đội ngũ các doanh nghiệp, phương châm của ngoại giao kinh tế thời kỳ mới cần phải có những điều chỉnh, đẩy mạnh tư duy tham mưu, định hướng, đồng hành, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Theo bà Nguyễn Minh Hằng, trong giai đoạn mới, bên cạnh những nhiệm vụ mà ngành Ngoại giao vẫn triển khai từ trước, nhiệm vụ cần ưu tiên hơn là đóng góp để thúc đẩy, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong nước, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, kinh tế số, đưa Việt Nam tham gia vào những vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam và đóng góp cho sự phát triển đột phá của các địa phương.
Cùng với đó, trước việc các địa phương, doanh nghiệp đều hội nhập rất sâu, vấn đề cần hết sức coi trọng, ưu tiên là công tác tham mưu, cảnh báo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong hợp tác kinh tế quốc tế. Bên cạnh đó, “hiện nay, xu thế định hình, điều chỉnh các luật lệ mới, quản trị kinh tế thế giới đang diễn ra rất nhanh chóng, đặc biệt là vấn đề liên quan đến kinh tế số, thương mại điện tử, quản lý dữ liệu, quản trị-đánh thuế vào các tập đoàn đa quốc gia, chúng tôi cho rằng, ngành Ngoại giao cần phải có sự tham gia và đóng góp tích cực hơn trong quá trình này,” bà Hằng chia sẻ.
Về phương thức triển khai, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế (Bộ Ngoại giao) cho rằng, trên cơ sở tư duy người dân, địa phương, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, công tác ngoại giao kinh tế phải tích cực bám sát nhu cầu, kịp thời tháo gỡ khó khăn của các địa phương, doanh nghiệp với phương thức cụ thể hơn, thực chất hơn.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 cũng tạo ra những thay đổi rất lớn về tư duy, cách làm. Do đó, cách thức triển khai ngoại giao kinh tế cần gắn với công nghệ, đa dạng hóa hình thức thực hiện; tập trung vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Cùng chung quan điểm với bà Nguyễn Minh Hằng về cách thức triển khai ngoại giao kinh tế, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho rằng, ngành Ngoại giao có sứ mệnh đồng hành cùng doanh nghiệp tiến vào kỷ nguyên số; gắn kết hoạt động đối ngoại với tiến trình mở rộng thị trường, đầu tư quốc tế của doanh nghiệp.
Với câu hỏi làm thế nào để ngành Ngoại giao có vị trí trong quá trình hình thành các trung tâm kinh tế-công nghệ của đất nước ngang tầm khu vực, thế giới, ông Trương Gia Bình cho rằng, Bộ Ngoại giao nói riêng, ngành Ngoại giao nói chung cần thực hiện tốt vai trò kết nối với Bộ Ngoại giao của các nước lớn trên thế giới, qua đó quy tụ, mời gọi các doanh nghiệp, viện nghiên cứu hàng đầu toàn cầu đến Việt Nam; và cùng chia sẻ với doanh nghiệp trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam vượt ngưỡng thu nhập trung bình, đi vào nhóm các nước tiên tiến.
“Tôi hy vọng các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện sẽ thường xuyên mời các doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Đó có thể là Samsung, Hyundai, Ford... tất cả đều sẽ là bạn và sẵn sàng ngồi lại cùng với các Đại sứ để bàn tầm nhìn đầu tư chiến lược vào Việt Nam... Ngành Ngoại giao giúp doanh nghiệp bán hàng rất nhiều nhưng mới chỉ ở bước đầu tiên là giới thiệu và giao tiếp với đối tác. Để có hợp đồng kinh doanh, doanh nghiệp còn phải đi nhiều bước nữa, trong đó có mời đối tác đến Việt Nam mà điều này rất cần đến các nhà ngoại giao,” ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Đánh giá cao Đại hội XIII của Đảng đặt ra khát vọng cũng những mục tiêu cụ thể phát triển đất nước trong 10-15 năm tới, đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành Ngoại giao là dồn sức cho phục vụ phát triển, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Đoàn Xuân Hưng cho rằng ngoại giao đồng hành với doanh nghiệp, người dân và địa phương là một thành tố lớn trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực chất hơn, ông Đoàn Xuân Hưng cho rằng, lãnh đạo ngành Ngoại giao cần có những cuộc đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đất nước để lắng nghe những gợi mở, mong muốn, đặt hàng cụ thể từ doanh nghiệp, từ đó ngành “chốt lại” đề ra phướng hướng, mục tiêu sát với thực tiễn cho ngoại giao kinh tế, đồng thời chủ động khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, địa phương.
“Không quan trọng doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, ngành Ngoại giao cần đặt mục tiêu giúp cho doanh nghiệp giàu có, nhiều doanh nghiệp giàu có, thì đất nước, nhân dân chúng ta sẽ giàu có,” nguyên Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng nhấn mạnh.
Có thể nói, không chỉ đơn thuần thực hiện những nhiệm vụ truyền thống nhiều thập kỷ qua, ngành Ngoại giao đang thực sự chuyển động trên “chuyến tàu” đổi mới, với tinh thần sáng tạo, hiệu quả, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp tích cực vào xây dựng một nước Việt Nam hùng cường./.