Ngày 28/10, tại Bình Dương, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng Nhóm nòng cốt đa bên thuộc khuôn khổ Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ đã tổ chức Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” với sự tham gia của 150 đại biểu từ các cơ quan bộ ngành liên quan, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức, các Viện nghiên cứu và Trường đại học, sở, ban, ngành liên quan, Tổ chức phi Chính phủ...
Diễn đàn “Chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tổ chức ở Bình Dương nơi chiếm tới hơn 40% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Trong chín tháng qua, số lượng doanh nghiệp gỗ xuất khẩu viên nén tại Bình Dương tăng mạnh.
Nhu cầu về mặt hàng viên nén trên thế giới đang tăng, đặc biệt tại thị trường EU. Ngành viên nén cũng đang đứng trước cơ hội lớn trong việc mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
[Thiếu "điểm tựa" đưa viên nén gỗ tiến tới kim ngạch xuất khẩu tỷ USD]
Một phiên thảo luận cấp cao mang chủ đề thúc đẩy “Các chuỗi giá trị gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam” được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn nhằm cung cấp cho đại biểu thông tin cụ thể về các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam cùng đối tác quốc tế đang thực hiện, qua đó phát huy tinh thần “Hợp tác bảo đảm gỗ hợp pháp.”
Hiện Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ hơn 108 quốc gia trên thế giới. Mục tiêu của diễn đàn là thúc đẩy đối thoại giữa những bên liên quan trong ngành lâm nghiệp, bao gồm các cơ quan Chính phủ, hiệp hội gỗ, Tổ chức phi Chính phủ và đối tác phát triển về chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp.
Diễn đàn đã góp phần thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp và bền vững tại Việt Nam cũng như đối tác thương mại thông qua tăng cường truyền thông, chia sẻ thông tin về những hoạt động nhằm đạt được mục tiêu chung.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2021 đạt gần 15 tỷ USD bất chấp đại dịch COVID-19, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 ở châu Á và thứ 5 trên thế giới.
Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những trung tâm chế biến gỗ xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Theo dự báo, vào năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam ước đạt 25 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu này, ông Điển cho rằng ngành gỗ cần làm nhiều việc; trong đó, cần tạo ra các chuỗi giá trị từ khâu nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho tới khâu xuất khẩu.
Xây dựng và vận hành hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam phù hợp với cam kết và thỏa thuận quốc tế, qua đó đảm bảo rằng 100% nguyên liệu gỗ sử dụng trong toàn bộ chuỗi giá trị là hợp pháp.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Oemar Idoe - Quản lý các dự án GIZ về môi trường, biến đổi khí hậu và nông nghiệp tại Việt Nam - cho rằng cần nỗ lực tạo ra môi trường thúc đẩy quản trị rừng tốt để việc truy xuất nguồn gốc gỗ và thương mại bền vững trong quá trình triển khai hệ thống trách nhiệm giải trình, tuân thủ quy định của Việt Nam và quốc tế được thuận lợi.
Để đáp ứng được yêu cầu này, cần có đủ nguồn lực để phát triển và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường những năng lực cần thiết; đưa nhiệm vụ số hóa vào một trong những dòng ngân sách thường xuyên của quốc gia là hành động then chốt để có thể đảm bảo việc giám sát thương mại gỗ và thực thi pháp luật...
Bên lề diễn đàn có triển lãm trưng bày những ấn phẩm giới thiệu những thành tựu của các tổ chức thành viên Nhóm Nòng cốt và các bên tham gia trong ngành lâm nghiệp trong hành trình đảm bảo gỗ hợp pháp và thương mại gỗ có trách nhiệm.
Triển lãm cũng tạo cơ hội cho các tổ chức giao lưu và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham quan Công ty cổ phần Gỗ Minh Dương nhằm tìm hiểu về thực tiễn tuân thủ quy định về hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp theo Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và EU và Nghị định số 102/2020/NĐ-CP quy định hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam, cũng như vấn đề truy xuất nguồn gốc gỗ, hợp tác với cộng đồng địa phương; tuân thủ quy định về môi trường, lao động và xã hội./.