Thúc đẩy Chữ ký Số cá nhân nhằm đảm bảo giao dịch thanh toán điện tử

Chữ ký Số có giá trị tương đương chữ ký tay trực tiếp, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.
Thúc đẩy Chữ ký Số cá nhân nhằm đảm bảo giao dịch thanh toán điện tử ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Ngày 17/10, tại Hà Nội, Trung tâm Chứng thực điện tử Việt Nam (NEAC), Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ Chữ ký Số và Giao dịch Điện tử Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo chuyên đề "Vai trò của Chữ ký Số cá nhân trong các giao dịch thanh toán điện tử."

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Đảng, Chính phủ Việt Nam xác định ba trụ cột của Chuyển đổi Số Quốc gia lần lượt là Chính phủ Số, Kinh tế Số và Xã hội Số. Cả ba trụ cột đều không thể thực hiện được nếu thiếu Công dân Số.

Để hình thành được Công dân Số, Xã hội Số cần có những yếu tố đặc trưng cơ bản. Trong đó, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang băng rộng, mỗi người dân cần có và sử dụng điện thoại thông minh, danh tính điện tử, Tài khoản Thanh toán Số, tài khoản dịch vụ công trực tuyến, phần mềm bảo đảm an toàn thông tin mạng ở mức cơ bản.

Công dân Số cần được trang bị kỹ năng số ở mức cơ bản để sử dụng dịch vụ trên Môi trường Số. Đặc biệt mỗi công dân cần sở hữu một Chữ ký Số cá nhân để thực hiện các Giao dịch Số. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Chữ ký Số cá nhân là mảnh ghép cuối cùng để hoàn thiện một phiên bản cơ bản của công dân số trên môi trường mạng.

Chữ ký Số (chữ ký điện tử) là giải pháp được nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam công nhận về tính pháp lý. Đây là một giải pháp công nghệ với độ xác thực cao để tăng tính tin cậy trong giao dịch trực tuyến, đặc biệt là giao dịch thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng điện tử.

Chữ ký Số có giá trị tương đương chữ ký tay trực tiếp, có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, đảm bảo được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ.

[Miễn phí ký dịch vụ công cho người đăng ký lần đầu chữ ký số MySign]

Đặc biệt, Luật Giao dịch Điện tử 2023 đã được Quốc hội thông qua tháng 6/2023 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định quan trọng về chữ ký số. Luật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng Chữ ký Số vào mọi hoạt động của người dân Việt Nam trên môi trường mạng internet.

Với xu hướng Chuyển đổi Số để tồn tại và phát triển, ngày càng nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân thực hiện giao dịch điện tử. Chữ ký Số là một yếu tố quan trọng để thực hiện giao dịch điện tử. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, tại Việt Nam, hiện Chữ ký Số mới chỉ được sử dụng trong các giao dịch nội bộ ngân hàng hoặc giao dịch của các doanh nghiệp mà chưa áp dụng rộng rãi đến với khách hàng cá nhân. Đây là nhóm đối tượng chiếm đa số trong các giao dịch của ngành ngân hàng. 

Báo cáo sơ bộ của các ngân hàng tại Việt Nam ghi nhận chỉ có 5% tổng số khách hàng giao dịch đã có và đang sử dụng Chữ ký Số. Nguyên nhân của việc tỷ lệ sử dụng Chữ ký Số còn thấp theo ông Nguyễn Quốc Hùng là do chi phí cho Chữ ký Số cá nhân vẫn còn khá cao.

Ngân hàng cần chi phí đầu tư để tích hợp hệ thống, chi phí hạ tầng cho các nền tảng ký số, xác thực Chữ ký Số. Nhiều khách hàng vẫn chưa quen với việc ký số, quan ngại về giá trị pháp lý của Chữ ký Số...

Để phát triển Chữ ký Số, phía đơn vị cung cấp giải pháp chữ ký số cần tăng cường đảm bảo an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Đồng thời, việc đẩy mạnh thanh toán trực tuyến, chuyển đổi mọi hoạt động thanh toán trực tiếp lên môi trường mạng, tăng cường tuyên truyền về Luật Giao dịch Điện tử năm 2023… là một số giải pháp được đề cập đến tại hội thảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục