Hai nguyên nhân lớn đe dọa động, thực vật hoang dã là mất sinh cảnh và buôn bán trái phép.
Theo Cơ quan quản lý CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) Việt Nam, tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã diễn ra trên toàn thế giới với lợi nhuận ước tính 21 tỷ USD mỗi năm, nhiều đối tượng tham gia và thủ đoạn tinh vi. Do đó, cần thúc đẩy chiến lược chống tội phạm buôn bán loài hoang dã.
Buôn bán trái phép trên diện rộng và ngày càng tinh vi
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam, có 7.000 loài động, thực vật hoang dã bị buôn bán trên toàn thế giới. Tội phạm xâm hại loài hoang dã có sự liên kết với tội phạm buôn bán vũ khí, ma túy và buôn người. Buôn bán, vận chuyển động, thực vật hoang dã mang tính xuyên quốc gia.
Hệ lụy của tình trạng này là 71% bệnh truyền nhiễm ở người có nguồn gốc từ động vật hoang dã bị vận chuyển như virus Ebola, Mers, cúm gia cầm… Khoảng 500 cán bộ biên phòng, cảnh sát, kiểm lâm… trên toàn thế giới hy sinh khi bảo vệ động, thực vật hoang dã giai đoạn 2009-2015.
Giá trị mẫu vật loài hoang dã được buôn bán rất cao. Đối tượng vận chuyển với nhiều thủ đoạn dấu hàng tinh vi. Con đường vận chuyển phức tạp từ đường hàng không, đường bộ, dấu trong container, xe khách, hành lý…
Đối tượng tham gia vận chuyển đa dạng, từ chuyên nghiệp, nhà ngoại giao, lưu học sinh… Nhiều loài hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp như tê tê, tê giác, hổ, rắn, rùa…
[Chung tay bảo vệ loài hoang dã ở Việt Nam: Đối mặt xu hướng suy giảm]
ASEAN là một trong những điểm nóng với nhiều quốc gia chung đường biên giới và cùng khai thác Biển Đông. Việt Nam được xem là một trong các nước đóng 3 vai trò trong đường dây buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã quốc tế (xuất khẩu/tái xuất khẩu-nhập khẩu-trung chuyển).
Kể từ năm 2015 đến gần cuối năm 2020, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tịch thu lên đến 36.941kg ngà voi, 723,18kg sừng tê giác và 37.084kg tê tê (con sống và vảy), cùng nhiều mẫu vật san hô đen, rùa sống, rắn ráo, xương hổ, vỏ trai tai tượng, gỗ các loại…
Trong đó, một số vụ điển hình gần đây nhất như cất giấu trái phép 8 tấn rùa biển ở Nha Trang (Khánh Hòa), bắt giữ 130kg sừng tê giác tại sân bay Nội Bài (Hà Nội), 330kg ngà voi và 1,7 tấn vảy tê tê tại Hải Phòng, 88 kg sơn dương, hoẵng, dúi ở Nghệ An, 3 cá thể rùa đầu to, 2 cá thể rùa hộp trán vàng và 13 cá thể rùa bốn mắt ở Hạ Long (Quảng Ninh)…
Sử dụng công cụ pháp lý và sáng kiến thay đổi hành vi
Để thúc đẩy chiến lược chống lại tội phạm buôn bán động vật hoang dã, bà Sarah Ferguson, Giám đốc Tổ chức Traffic tại Việt Nam cho rằng, luật pháp về bảo vệ động vật hoang dã cần hướng vào bảo vệ các hệ sinh thái nói chung và động vật hoang dã nói riêng, xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng có liên quan đảm bảo tính thống nhất, giảm chồng chéo.
Luật cần được hoàn thiện để loại bỏ các kẽ hở, như cần nêu rõ khối lượng hợp pháp của sản phẩm từ động vật hoang dã và nuôi nhốt nguy cấp được phép sở hữu. Việt Nam cũng cần cập nhật dựa trên xu hướng phát triển của tội phạm buôn bán động vật hoang dã.
Bà Sarah Ferguson đưa ví dụ về lệnh cấm và hình phạt của Chính phủ Australia cho loại tội phạm này trong Đạo luật Bảo vệ môi trường và Đa dạng sinh học. Các quy định cấm xuất khẩu các loài động vật có vú, chim, bò sát và lưỡng cư được áp dụng đảm bảo việc quản lý bền vững các loài này, đồng thời bảo tồn sự đa dạng sinh học, những lợi ích kinh tế của quốc gia cũng như tuân thủ theo các quy tắc đối xử nhân đạo đối với động vật.
Australia có những hình phạt gần như cao nhất thế giới với tội phạm buôn lậu động, thực vật hoang dã với mức cao nhất cho tội này trong Đạo luật là 10 năm tù và 210.000 đô la Australia đối với cá nhân và trên 1 triệu đô la Australia đối với pháp nhân.
Hay Luật Hình sự của Trung Quốc quy định hành vi săn bắt, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã hoặc sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm có thể bị phạt tù và phạt tiền: Dưới 5 năm với các tội danh ít nghiêm trọng, từ 5-10 năm với các tội danh nghiêm trọng; trên 10 năm tù và tịch thu tài sản với các tội danh đặc biệt nghiêm trọng. Mức độ nghiêm trọng được xác định bằng giá trị của hàng hóa, vượt 100.000 nhân dân tệ.
Năm 2016, Trung Quốc cấm việc gia công và buôn bán ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi trong nước. Kết thúc 2 giai đoạn, 172 nhà máy và cơ sở bị đóng cửa. Số lượng quảng cáo rao bán ngà voi trung bình hằng tháng trên các nền tảng trực tuyến giảm xuống còn 61% năm 2017 và 27% năm 2018. Số người có ý định mua ngà voi giảm từ 43% năm 2018 xuống còn 26% năm 2018.
Theo bà Sarah Ferguson, thực thi pháp luật cần được hỗ trợ đầy đủ về cả nhân lực và vật lực. Hoạt động cần được thường xuyên tổ chức là tập huấn nâng cao năng lực về định dạng loài, đối phó với nạn rửa tiền, hướng dẫn sử dụng trang thiết bị, trật tự trị an, Công ước CITES, vi phạm xử lý…
Cơ quan nhà nước cần phối hợp với khu vực tư nhân, đặc biệt trong việc chống buôn bán động vật hoang dã trực tuyến với các công ty quản lý mạng xã hội, thương mại điện tử…
Việt Nam cần thiết lập và duy trì các quan hệ đối tác xuyên biên giới để chia sẻ thông tin, đặc biệt là với các quốc gia nguồn.
Về truyền thông thay đổi hành vi, các chiến dịch truyền thông cần xác định rõ đối tượng mục tiêu để tăng hiệu quả. Quan hệ đối tác với khu vực công và tư nhân cần được tăng cường nhằm thúc đẩy vận động xã hội. Các kênh truyền thông mới, sáng tạo nên được khai thác nhiều hơn.
Bà Sarah Ferguson cho biết, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi tại Việt Nam của Tổ chức Traffic nhằm tập trung giảm nhu cầu sử dụng sừng tê giác và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã khác, hướng đến nhóm đối tượng doanh nhân nam trung niên, giàu có - nhóm được cho là người sử dụng chính.
Sáng kiến được xây dựng dựa trên bằng chứng và mô hình 5 bước thay đổi hành vi. Bước xác định hành vi gồm xác định rõ các hành vi cần thay đổi, thời gian, địa điểm, cách thức thực hiện, cũng như phương pháp khuyến khích sự thay đổi hành vi.
Bước xác định đối tượng cần thay đổi hành vi và phân khúc nhóm đối tượng dựa trên các yếu tố thái độ, tâm lý, kinh tế-xã hội.
Bước xây dựng mô hình hành vi sử dụng thông tin thu được từ 2 bước trên để xác định cách tiếp cận phù hợp nhất nhằm thay đổi hành vi dựa trên việc tham khảo các cơ sở lý luận tổng hợp. Bước xây dựng phương pháp tiếp thị xã hội nhằm xác định thông điệp, người truyền tải thông điệp và cơ chế áp dụng để thực hiện sáng kiến.
Bước thực hiện sáng kiến sử dụng phương pháp quản lý thích ứng - rà soát và điều chỉnh trong quá trình thực hiện nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện và tối đa tác động.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cho rằng, để chung tay bảo vệ động, thực vật hoang dã cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ loài hoang dã, tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, vai trò chỉ đạo, điều phối của Ban chỉ đạo liên ngành, tiếp cận bảo tồn theo hướng đa ngành, đầu tư bảo tồn sinh cảnh, giám sát đa dạng sinh học các loài ưu tiên; tuyên truyền, tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội về bảo vệ động, thực vật hoang dã.
Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác quốc tế cũng cần được tăng cường trong bối cảnh hội nhập sâu, rộng, thực hiện các cam kết chính trị và cam kết quốc tế; phối hợp trong thực thi đầy đủ các cam kết, các biên bản ghi nhớ đã ký với các quốc gia, trong đó có Lào, Campuhia, tiến đến đồng bộ việc ký biên bản ghi nhớ trong thực thi CITES với ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp.
Để ngăn chặn tội phạm về động vật hoang dã, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, cơ quan chức năng không nên chỉ dừng lại ở việc tịch thu tang vật mà cần xử lý cốt lõi của vấn đề bằng cách tập trung xác định, bắt giữ các đối tượng đứng sau các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép, từ đó triệt tiêu, xóa bỏ hoàn toàn các đường dây này.
Các cơ quan chức năng cần tập trung theo dõi dòng tiền chuyển đến bên nhận hàng, phương thức liên lạc và cả những đầu mối có khả năng liên quan đến các lô hàng động vật hoang dã quy mô lớn xuyên biên giới./.