Thúc đẩy các quyền phụ nữ trong Công ước CEDAW

Chiều 7/5, Hội thảo ASEAN về thúc đẩy các quyền phụ nữ trong Công ước xóa bỏ hình thức phân biệt với phụ nữ đã diễn ra tại Hà Nội.
Chiều 7/5, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo khu vực ASEAN về thúc đẩy các quyền của phụ nữ trong Công ước CEDAW - Thành tựu, thách thức và các điển hình tốt.

Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin về quyền lợi của phụ nữ trong đời sống chính trị, quyền có quốc tịch, việc làm, thụ hưởng các lợi ích kinh tế-xã hội trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối với phụ nữ (CEDAW) cũng như các vấn đề trong Kết luận của Ủy ban CEDAW dựa trên các báo cáo quốc gia của ASEAN; các chiến lược, chính sách, chương trình cũng như các giải pháp của các thành viên ASEAN để thúc đẩy việc thực hiện các quyền này trong Công ước CEDAW và theo kết luận của Ủy ban CEDAW từ quan điểm của ACW (Ủy ban phụ nữ ASEAN) và SLOM (Hội nghị quan chức cấp cao về lao động ASEAN).

Tất cả các nước thành viên của ASEAN đã phê chuẩn Công ước CEDAW để thực hiện Công ước nói chung, cũng như để thúc đẩy, bảo vệ quyền của phụ nữ trong khu vực ASEAN nói riêng.

Các nguyên tắc của Công ước đã được lồng ghép và kết hợp vào kế hoạch phát triển quốc gia, các chính sách, pháp luật và chương trình. Những thành tựu trong việc thúc đẩy quyền của phụ nữ ASEAN ngày càng đạt được nhiều hơn ở cấp quốc gia và trong khu vực.

Các ý kiến của các đại biểu tại hội thảo nhận định, ở cấp quốc gia, sự tham gia ngày càng tăng của phụ nữ trong chính trị và các cơ quan chính phủ đã có nhiều chuyển biến đáng khích lệ. Các hoạt động tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức của xã hội nói chung, phụ nữ nói riêng về các quyền và bảo vệ các quyền lợi đó.

Chính phủ đã chú ý đến phân bổ ngân sách cho các hoạt động bình đẳng giới. Tuy nhiên, khoảng cách phát triển, bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em, bóc lột lao động và tình dục, đói nghèo và phân biệt đối xử giới tính vẫn là một thách thức lớn cho việc theo đuổi bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ và phúc lợi của trẻ em. Những vấn đề này cũng đã được chỉ ra trong các kết luận của Ủy ban CEDAW phản hồi về các báo cáo định kỳ có liên quan từ các nước thành viên ASEAN.

Tại hội thảo, các đại biểu từ các bộ, ngành liên quan, các tổ chức của Liên hiệp quốc, các tổ chức phi chính phủ của Việt Nam cũng đã chia sẻ, tiếp thu kinh nghiệm, chính sách tốt của các nước ASEAN trong việc thực hiện Công ước CEDAW.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục