Ngày 24/2, khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc đã khai mạc tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sĩ) với sự tham dự của Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Tijjani Muhammad-Bande, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, một số nguyên thủ, cùng gần 100 lãnh đạo cấp Bộ trưởng các nước và tổ chức quốc tế.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva làm Trưởng đoàn.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, trong bài phát biểu khai mạc khóa họp nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã nêu bật những tiến bộ đạt được về quyền con người kể từ khi Liên hợp quốc ra đời và nhấn mạnh việc bảo đảm quyền con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của hòa bình, an ninh và phát triển trên thế giới.
[Việt Nam được đánh giá cao về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người]
Trong bối cảnh tốc độ biến đổi khí hậu, đô thị hóa, thời đại công nghệ số cùng với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang gia tăng nhanh chóng và đan xen phức tạp, Tổng thư ký nêu quan ngại về tình trạng vi phạm quyền con người như bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử đối với phụ nữ, người di cư, người tị nạn, đói nghèo cùng cực... vẫn còn tiếp diễn.
Ông Guterres đưa ra văn kiện kêu gọi các nước phối hợp hành động, tập trung vào 7 lĩnh vực bao gồm bảo đảm trụ cột quyền con người trong phát triển bền vững; quyền con người trong các cuộc khủng hoảng; bình đẳng giới và quyền của phụ nữ; sự tham gia của người dân và các tổ chức phi chính phủ; quyền của các thế hệ tương lai; hành động chung về quyền con người; tư duy mới về quyền con người trong thời đại công nghệ số.
Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet hoan nghênh Tổng thư ký Liên hợp quốc đưa ra văn kiện kêu gọi các nước phối hợp hành động. Bà nhấn mạnh những thách thức trong bảo đảm quyền con người do biến đổi khí hậu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đặt ra và kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nâng cao tinh thần trách nhiệm để bảo đảm các thế hệ tương lai được sống trong tự do, hòa bình, phẩm giá, được bảo đảm các quyền cơ bản về giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Các nước cần tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền con người, sớm chấm dứt các hình thức phân biệt đối xử để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bao trùm, đồng thời tích cực triển khai Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận toàn cầu về Di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) và Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu.
Chiều 24/2, tại phiên thảo luận chuyên đề cấp cao về bảo vệ quyền trẻ em sau phiên khai mạc, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, thay mặt các nước ASEAN, đã trình bày phát biểu chung của ASEAN, trong đó nhấn mạnh các nước ASEAN luôn coi trọng và nỗ lực bảo vệ và thúc đẩy quyền trẻ em, thể hiện trên nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN như Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN 2025...
Đứng trước những thách thức mới của tình hình hiện nay nhất là cuộc Cách mạng 4.0, biến đổi khí, dịch bệnh, với quyết tâm thực hiện các cam kết tại Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, các nước ASEAN sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ, cùng các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em, hướng tới thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững.
Theo kế hoạch, các nguyên thủ và lãnh đạo cấp cao các nước sẽ tham gia thảo luận tại Phiên họp cấp cao, diễn ra trong ba ngày từ 24-26/2.
Khóa họp cũng sẽ có bốn phiên thảo luận chuyên đề cấp cao về bảo vệ quyền trẻ em (nhân dịp Kỷ niệm 30 năm công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em - CRC), thúc đẩy bình đằng giới (nhân dịp Kỷ niệm 25 năm Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về bình đẳng giới), nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật và quyền của người gốc Phi (nhân dịp Kỷ niệm Ngày quốc tế chống phân biệt chủng tộc 21/3).
Khóa họp cũng sẽ có một số cuộc đối thoại về quyền của người khuyết tật, chống buôn bán trẻ em, quyền lương thực, quyền văn hóa, tự do tôn giáo, chống khủng bố, tình hình nhân quyền tại một số quốc gia...
Khóa họp sẽ xem xét thông qua một số Nghị quyết, cũng như các báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của 14 nước theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR).
Khóa họp lần thứ 43 Hội đồng Nhân quyền diễn ra trong vòng 4 tuần và dự kiến sẽ bế mạc vào ngày 20/3./.