Trong bối cảnh các tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu quốc tế làm các nhà nuôi trồng, sản xuất và chế biến thủy sản trong nước bối rối thì vấn đề xây dựng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP) là vấn đề cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên, quá trình triển khai VietGap đang gặp nhiều khó khăn. Nhằm thúc đẩy quá trình triển khai VietGap tới các doanh nghiệp, trang trại, hợp tác xã, nhóm nông hộ nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) sẽ tổ chức Hội thảo Áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản vào ngày 12/11/2011. Hội thảo sẽ là nơi phổ biến kiến thức quy phạm, kế hoạch triển khai áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản tới các chủ trang trại và hộ nuôi trồng thủy sản, giúp các hộ sản xuất chủ động trong quá trình hội nhập, mở ra hướng nuôi trồng, xuất khẩu mới cho ngành thủy sản Việt Nam. Hội thảo có quy mô dự kiến khoảng 200 đại biểu đến từ Tổng cục thủy sản, đại diện các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chi cục phát triển nông thôn các tỉnh phía Bắc, chi cục nuôi trồng thủy sản, chi cục thủy sản, các chủ trang trại, hộ nuôi trồng thủy sản, Hiệp hội thủy sản Việt Nam và một số doanh nghiệp liên quan… Tại hội thảo, các đại biểu sẽ trình bày một số các báo cáo tập trung vào các vấn đề như: Giới thiệu Quy phạm VietGAP và kế hoạch triển khai áp dụng, quy trình công nhận và chứng nhận Quốc tế, kinh nghiệm áp dụng VietGap trong nuôi trồng thủy sản tại Bến Tre và Ninh Bình, thảo luận về cơ hội và thách thức khi áp dụng VietGap… Hội thảo Áp dụng VietGAP trong nuôi trồng thủy sản là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ của Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 11–AgroViet 2011 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức từ ngày 11-14/11/2011 tại Khu Hội chợ triển lãm giao dịch Kinh tế và thương mại./.
Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt tại Quyết định số 1503/2011/QĐ-BNN-TCTS ngày 5/7/2011 nhằm đảm bảo các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm thiểu dịch bệnh, ô nhiễm môi trường sinh thái, đảm bảo trách nhiệm xã hội và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang tiến hành phổ biến và áp dụng VietGAP cho 3 đối tượng thủy sản chủ lực là cá tra, tôm sú và tôm chân trắng trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trên cơ sở hiệu quả thực tế sẽ tiếp tục hướng dẫn áp dụng cho các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế khác./.
|
Hồng Kiều (Vietnam+)