'Thức bước thời gian': Lòng trắc ẩn trong thơ của nữ sỹ Bùi Kim Anh

Một điều dễ nhận thấy trong thơ của nữ sỹ Bùi Kim Anh là lòng khoan dung, trắc ẩn. Các bài thơ luôn tiềm ẩn bóng dáng của những con người trong hành trình mưu sinh.
'Thức bước thời gian': Lòng trắc ẩn trong thơ của nữ sỹ Bùi Kim Anh ảnh 1Tập thơ mới ra mắt của nhà thơ Bùi Kim Anh. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Nữ thi sỹ Bùi Kim Anh vừa ra mắt tập thơ thứ 12 mang tên “Thức bước thời gian.” Với 120 bài thơ, tác phẩm thể hiện rõ nét những suy tư về thời gian, qua đó, nhà thơ gửi gắm những hoài niệm cũ, nỗi trăn trở về thời cuộc và lòng trắc ẩn trước những thân phận con người.

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, tác giả cho biết đây là những bài thơ sáng tác trong khoảng 2 năm gần đây. Yếu tố thời gian là mạch ngầm xuyên suốt trong cả tập sách. Mỗi ngày bà đều làm thơ, ghi lại những trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, những gì mắt thấy tai nghe và trái tim cảm nhận được, ngoài ra còn có cả những kỷ niệm cũ bất chợt ùa về.

Bà không chia cuốn sách thành các chủ đề mà chỉ sắp xếp các bài theo thứ tự A, B, C bởi không muốn “đóng khung” hay định hướng cảm xúc của độc giả.

'Thức bước thời gian': Lòng trắc ẩn trong thơ của nữ sỹ Bùi Kim Anh ảnh 2Nhà thơ Bùi Kim Anh. (Ảnh: NVCC)

Đại dịch COVID-19 bùng phát tại Hà Nội với hàng nghìn, hàng chục nghìn ca mỗi ngày gây nên tâm lý hoang mang cho cả cộng đồng, đặc biệt là những người có tâm hồn nhạy cảm như nhà thơ Bùi Kim Anh.

“Tôi chăm chú theo dõi những bản tin công bố ca nhiễm mỗi ngày mà không khỏi lo âu cho mình, cho mọi người. Có đêm tôi nằm mơ thấy xe cấp cứu rồi những chiếc quan tài trong khu nhà mình. Từ đó, tôi gửi tâm trạng của mình vào trong thơ,” tác giả chia sẻ.

Những bài thơ như “Phiếu đi chợ,” “Phố giãn cách,” “Sau một đêm”… ghi lại trải nghiệm, cảm xúc, suy tư của bà về một xã hội gồng mình chống dịch, những ngày phố xá trở nên vắng lặng khác thường.

[Sân chơi lành mạnh của những phụ nữ yêu thơ trên thế giới ảo]

Một điều dễ nhận thấy trong thơ của nữ sỹ Bùi Kim Anh là lòng khoan dung, trắc ẩn. Các bài thơ luôn tiềm ẩn bóng dáng của những con người trong hành trình sống, mưu sinh trước bao biến thiên nghiệt ngã. Chẳng hạn như: “Đừng giận ta Hà Nội ơi đêm lạnh/ Tiếng người bán ngô luộc lang thang” (“Hà Nội ơi đêm lạnh”) hay “Gió tạt chao quang gánh/ Người đàn bà nghiêng theo rau/ Rớt xuống lòng đường” (“Ghi theo mưa”).

Chia sẻ cảm nhận về tập thơ, nhà phê bình Nguyễn Văn Hòa cho biết: “Khảo sát trong tập sách này, tôi thấy có đến hơn 1.500 lần nhà thơ nhắc đến thời gian. Sự nhắc đi nhắc lại với tần số dày đặc như thế lại càng làm tăng thêm sự thảng thốt của chủ thể trữ tình. Đâu đó là những tổn thương, mất mát, nuối tiếc, bởi những cơ hội qua đi sẽ không bao giờ trở lại, những việc không hay đã xảy ra sẽ tạo nên vết thương khó có thể chữa lành theo năm tháng...”

Ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng thơ Bùi Kim Anh càng lúc càng điềm tĩnh, càng lúc càng trầm tư hướng vào cuộc sống đời thường để giãi bày, tự vấn, tự thoại nhằm khẳng định cái tôi cá nhân. Đó là cái tôi cá nhân với tinh thần trách nhiệm và thái độ sống “vô tư” khi đã hiểu rõ tường tận chân giá trị của cuộc đời này.

“Dù đã ở vào tuổi thất thập cổ lai hy, Bùi Kim Anh vẫn miệt mài tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật để cho ra những vần thơ da diết, đẫm chất thế sự với lối tư duy tinh tế và sắc sảo," nhà phê bình Nguyễn Văn Hoà nhận định./.

Nhà thơ Bùi Kim Anh sinh năm 1948 tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, là giáo viên dạy văn tại một số trường phổ thông trung học ở Hà Nội. Bà là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Các tác phẩm đã xuất bản: “Viết cho mình” (thơ, 1995), “Cỏ dại khờ” (thơ, 1996), “Lối mưa” (thơ, 1999), “Bán không cho gió” (thơ, 2005), “Lời buồn trên đá” (thơ, 2007), “Lục bát cuối chiều” (thơ, 2008), “Bắc lên ngọn gió mà cân” (thơ, 2010), “Đi tìm giấc mơ” (thơ, 2012), “Nhặt lời cho bóng lá” (thơ, 2017), “Hình như mùa đã lỡ” (thơ, 2017), “Sống chậm” (tản văn, 2018), “Tóc trắng nắng mai” (thơ, 2019).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục