Với lịch sử hình thành hơn 200 năm, Điện Thái Hòa là ngôi điện quan trọng nhất trong khu vực Hoàng thành Huế.
Hiện nay, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang triển khai dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa với một quy trình thận trọng, khoa học và bài bản nhằm đạt được kết quả cao nhất trong công tác trùng tu, giữ gìn bền vững di sản văn hóa thế giới đã được Tổ chức UNESCO công nhận.
Số hóa chi tiết phục vụ trùng tu
Điện Thái Hòa bắt đầu công tác hạ giải đồng loạt từ giữa tháng 3/2022. Đến nay, đơn vị thi công đã hoàn thành hạ giải phần mái ngói, các ô hộc, bờ nóc, bờ quyết, cổ diềm, con giống trang trí xuống khỏi công trình; tháo dỡ từng ô pháp lam, hệ vách ván, liên ba, ngưỡng cửa... Những cấu kiện hạ giải có giá trị mỹ thuật cao được đơn vị thi công vận chuyển vào nhà bao che để bảo quản.
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết mục tiêu lớn nhất của dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa là phải bảo đảm yếu tố gốc của di tích. Do vậy, công trình này có riêng một gói thầu scan 3D, tức là dựng lại Điện Thái Hòa theo kích thước thật, hình ảnh thật của những cấu kiện đang tồn tại nhằm lưu giữ lại yếu tố gốc, làm cơ sở so sánh, đối chiếu trong quá trình trùng tu, đồng thời phục vụ du khách trải nghiệm tham quan không gian ảo của công trình này.
Hiện nay, toàn bộ khung gỗ của Điện Thái Hòa đang trong quá trình quét scan 3D trước khi tiến hành hạ giải. Giám đốc Công ty Cổ phần Tu bổ Di tích Huế Hồ Hữu Hành, đơn vị thi công cho biết Điện Thái Hòa có 80 cây cột gỗ và 16 cột bêtông.
Trải qua thời gian, với nhiều đợt trùng tu trước đó, nhiều cấu kiện gỗ bị mối mọt, xuống cấp nghiêm trọng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, việc tháo dỡ những cấu kiện gỗ của ngôi điện này sẽ được làm thủ công và giao cho những thợ mộc giỏi đảm nhiệm.
[Khởi công tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa trong Đại Nội Huế]
Phần nền gạch của Điện Thái Hòa có diện tích rộng gần 1.000m2 là một phần quan trọng của di tích. Theo các nguồn sử liệu, những viên gạch này được nhập từ Pháp vào năm 1894, thời vua Thành Thái. Do vậy, đơn vị thi công đã triển khai nhiều lớp để bảo vệ nguyên trạng mặt sàn gạch này.
"Đầu tiên đơn vị cho công nhân tẩy sạch nền gạch, quét một lớp sơn chống thấm, trải lên trên một lớp ni long, trải một lớp cao su, làm hệ khung gỗ, lát thép tấm lên trên. Nhiều lớp bảo vệ như vậy giúp trong quá trình thi công nếu có khối vật liệu nào rơi xuống sẽ không làm hư hại mặt nền. Đây cũng là kỹ thuật lần đầu được áp dụng trong qua trình trùng tu di tích ở Huế" - ông Hồ Hữu Hành thông tin thêm.
Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, phần trung tâm của Điện Thái Hòa là Bửu tán và bục đặt Ngai vàng được bao bọc bằng hệ khung thép, lợp tôn, bảo quản nguyên vị trí trong quá trình thi công, chỉ tháo dỡ 3 bộ cửa võng khu vực Bửu tán để chuyển vào kho bảo quản.
Phục hồi theo giai đoạn hoàng kim nhất
Trong quá trình lập dự án, qua nhiều lần hội thảo khoa học, các cơ quan chức năng liên quan xác định đợt trùng tu lần này là quá trình kế thừa xuyên suốt kiến trúc của Điện Thái Hòa từ năm 1833- 1945 và sẽ loại ra một số đợt trùng tu trước đây không theo đúng tiêu chuẩn ban đầu.
Do đó, phần mái của Điện Thái Hòa trong dự án trùng lần này sẽ được lập lại toàn bộ bằng loại ngói âm ống tráng men màu vàng, còn gọi là ngói hoàng lưu ly. Phần mái lưa phía trước và sau điện sẽ được thay thế lập bằng ngói gốm vảy cá tráng men màu vàng.
"Phần ngói có vai trò rất quan trọng đối với công trình kiến trúc bằng gỗ. Theo những bức ảnh tư liệu ghi nhận từ năm 1833-1894, Điện Thái Hòa lập mái ngói âm ống hoàng lưu ly và đây là thời kỳ rực rõ nhất của công trình này. Sau đó qua nhiều đợt trùng tu, hiện tại phần lớn các mái của Điện Thái Hòa được lập bằng loại ngói liệt đất, không tráng men, chỉ có mái thượng và hạ của tiền điện được lập ngói hoàng lưu ly vào năm 1993, đây là số ngói dư thừa sau khi trùng tu Ngọ Môn.
Tuy nhiên, chất lượng của các loại ngói trên không cao nên Điện Thái Hòa thường xuyên bị thấm dột vào mùa mưa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu gỗ bên trong. Để phục vụ cho dự án trùng tu lần này, vật liệu ngói được đặt hàng làm ở Xưởng sản xuất ngói gốm cổ Huế với những tiêu chí rất khắt khe nhằm tạo sự bền vững lâu dài cho công trình," ông Hồ Hữu Hành chia sẻ.
Tuy nhiên, theo thiết kế của dự án, hoa văn, họa tiết, con giống của Điện Thái Hòa sẽ giữ nguyên, kế thừa sau đợt trùng tu vào năm 1923. Đây là giai đoạn mà nghệ thuật trang trí, khảm sảnh sứ được các nhà nghiên cứu đánh giá là đỉnh cao của kiến trúc triều Nguyễn. Nhưng theo ông Hồ Hữu Hành, những con rồng đắp ở trên nóc mái điện và 16 trụ bê tông trạm rồng đỡ phần mái lưa cần phải thay phần cốt bên trong bằng kết cấu thép, giữ nguyên mặt ngoài, nhằm nâng cao tuổi thọ cho những hạng mục này.
Tại khu vực công trình hiện nay, nhà thầu đã rào chắn khuôn viên tháo dỡ đảm bảo mỹ quan, đồng thời xây dụng nhà bao che để bảo quản các hiện vật và cấu kiện sau khi hạ giải. Thời gian tới, toàn bộ kết cấu khung gỗ của ngôi điện sẽ được hạ giải xuống hoàn toàn, sau đó được phân loại, đánh giá sơ bộ chất lượng các cấu kiện, trước khi trình hội đồng đánh giá di tích xem xét và đưa ra giải pháp tu bổ. Cụ thể, đối với các cấu kiện hư hỏng hoàn toàn sẽ được phục hồi mới; những cấu kiện hư hỏng ít sẽ được xử lý nối vá, nối mộng; những cấu kiện còn tốt sẽ tái sử dụng hoàn toàn.
Sự độc đáo của Điện Thái Hòa còn ở chỗ là nơi lưu giữ hệ thống văn thơ chữ Hán, theo hình thức trang trí "nhất thi, nhất họa" độc đáo đã được Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Do vậy, trong quá trình hạ giải, đối với những vách ván bằng gỗ bên trong điện có khắc thơ, họa đang được bảo quản cẩn thận và sẽ có biện pháp để sơn son thếp vàng phù hợp; đối với những tấm pháp lam ở trên mái điện bị bong tróc đang được nghiên cứu xử lý để cố gắng bảo tồn nguyên vẹn giá trị gốc.
Điện Thái Hòa được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1805 tại khu vực Đại Cung môn. Đến năm 1833, vua Minh Mạng cho xây dựng lại công trình ở vị trí hiện nay. Điện Thái Hòa là công trình kiến trúc quan trọng, uy nghi và tráng lệ nhất trong Hoàng cung triều Nguyễn, biểu trưng cho cơ quan quyền lực của triều đình. Đây là nơi Hoàng đế ngự ngai vàng, tổ chức các buổi thiết triều, đại lễ và nghi thức quan trọng, ghi dấu lịch sử thăng trầm của 13 vị Hoàng đế nhà Nguyễn.
Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa được khởi công vào cuối năm 2021, với tổng mức đầu tư gần 129 tỷ đồng (gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động khác).
Dự kiến dự án hoàn thành vào cuối tháng 8/2025./.