Thừa Thiên-Huế: Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá

Thừa Thiên Huế sẽ tập trung triển khai 5 giải pháp, trong đó có cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế của tỉnh.
Thừa Thiên-Huế: Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá ảnh 1Một góc khu vực Đại Nội, Kinh thành Huế. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Nghị quyết này có hiệu lực từ năm 2022, thực hiện trong 5 năm. Đây là một cột mốc quan trọng trong việc tạo nguồn lực để thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, với mục tiêu đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế về nội dung này.

- Xin ông cho biết Thừa Thiên-Huế sẽ triển khai cụ thể Nghị quyết số 38/2021/QH15 như thế nào để tận dụng tối đa, hiệu quả những cơ chế, chính sách đặc thù này trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Ông Nguyễn Văn Phương: Các cơ chế chính sách đặc thù phát triển Thừa Thiên- Huế được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV thực sự chỉ phát huy hiệu quả khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp với những nỗ lực mạnh mẽ trong tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai xây dựng các Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cùng Kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Cụ thể, tỉnh sẽ tập trung xây dựng và thực hiện tốt một số giải pháp.

[Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố]

Thứ nhất, tỉnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistic, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin và đô thị đồng bộ, hiện đại, thông minh, bảo đảm sự hài hòa giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như tuyến đường bộ ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An- Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây-giai đoạn 2, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài…

Thứ tư, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển kinh tế-xã hội, nhất là cho phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế; tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng, mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại.

Thứ sáu, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế của tỉnh là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước; đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm y tế, trung tâm khoa học công nghệ của cả nước.

- Thừa Thiên-Huế đang sở hữu một khối lượng di sản đồ sộ, với mật độ lớn, trong đó nhiều di tích bị xuống cấp trầm trọng trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn chế. Xin đồng chí cho biết vai trò và ý nghĩa của việc Quỹ bảo tồn di sản Huế sẽ được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh trực tiếp quản lý theo như Nghị quyết số 38/2021/QH15?

Ông Nguyễn Văn Phương: Thừa Thiên Huế là địa phương có đến 5 di sản văn hóa thế giới được Tổ chức UNESCO ghi danh, đó là Quần thể Di tích Cố đô Huế (năm 1993), Âm nhạc Cung đình Huế (2003), Mộc bản triều Nguyễn (năm 2010), Châu bản triều Nguyễn (năm 2014), Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế (năm 2016).

Thừa Thiên-Huế: Tận dụng tối đa cơ chế, chính sách đặc thù để bứt phá ảnh 2Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.(Ảnh: Tường Vi/TTXVN)

Ngoài ra, địa phương còn có gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 89 di tích cấp quốc gia. Nhu cầu vốn đầu tư trùng tu quần thể di sản văn hóa Cố đô Huế là rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước đã bố trí trong những năm qua không đáp ứng được nhu cầu.

Bên cạnh những di sản do Nhà nước trực tiếp quản lý, có nhiều di sản văn hóa Huế thuộc sở hữu của các tổ chức, cộng đồng dân cư, cá nhân (không do nhà nước quản lý) như nhà rường, đình làng, miếu… đang xuống cấp nghiêm trọng cần huy động nguồn lực toàn xã hội để hỗ trợ bảo tồn, tôn tạo. Việc giữ gìn, bảo tồn các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của Cố đô Huế không những cho địa phương mà cho cả nước và thế giới.

Thực tế trong thời gian qua đã có nhiều tổ chức, cá nhân mong muốn được cùng với Thừa Thiên-Huế trùng tu, tôn tạo, bảo tồn một số công trình di tích cũng như có nguyện vọng đóng góp, đề xuất thành lập Quỹ riêng nhằm minh bạch trong tiếp nhận và đầu tư đúng địa chỉ tài trợ để chung tay cùng với tỉnh trong công tác trùng tu, bảo tồn các di sản, di tích đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp.

Ngoài ra, một số địa phương có nguồn thu ngân sách lớn, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương mong muốn cùng chia sẽ hỗ trợ trùng tu, bảo tồn một số công trình di sản nhưng do quy định của Luật Ngân sách nên không thực hiện được.

Quỹ bảo tồn di sản Huế được tiếp nhận từ nguồn ngân sách nhà nước của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ, nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn thu hợp pháp khác để chung tay thực hiện công tác trùng tu, bảo tồn di sản quốc gia và thế giới trên địa bàn Thừa Thiên-Huế.

Nhiệm vụ chi của Quỹ sẽ được sử dụng đầu tư cho các công trình, hạng mục ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc đã đầu tư nhưng chưa đủ, không sử dụng cho các công trình tư nhân.

Việc sử dụng Quỹ để đầu tư công trình, dự án được thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa… Thời gian tới, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết về quy chế hoạt động của Quỹ bảo tồn di sản Huế.

- Nhân dịp chuẩn bị bước qua năm mới Nhâm Dần 2022, xin ông chia sẻ về tầm nhìn và khát vọng phát triển Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Phương: Tầm nhìn và khát vọng phát triển Thừa Thiên- Huế trong thời gian tới chính là tận dụng tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo tiền đề, động lực phát triển và diện mạo mới cho địa phương nhằm sớm đạt được mục tiêu xây dựng Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh vào năm 2025. Cụ thể:

Thứ nhất, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với khoảng 5.470 hộ dân sẽ được di dời, bố trí tái định cư. Đây là cuộc di dân lịch sử nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị di sản, văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam do tiền nhân để lại cho những thế hệ tương lai.

Thứ hai, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-kỹ thuật đồng bộ hơn, kết nối giữa các đô thị, tạo động lực và có tính chất lan tỏa phát triển kinh tế- xã hội, qua đó hoàn thiện các tiêu chí về đô thị để đưa Thừa Thiên-Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.

Thứ ba, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển đô thị có các dịch vụ thông minh và xây dựng chính quyền điện tử, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm bắt kịp xu hướng và cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Thứ tư, thúc đẩy phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện “bình thường mới” của tình hình dịch COVID-19; đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu…

Từ đó, tạo động lực thúc đẩy phát triển toàn diện kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; tạo nền tảng vững chắc để Thừa Thiên-Huế phát triển mạnh mẽ, nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.

- Trân trọng cám ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

EU nâng tần suất kiểm tra sầu riêng Việt Nam lên 20%

Đối với sầu riêng, do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, căn cứ Điều 5 và Điều 6 của Quy định (EU) 2019/1793, EU tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%.