Thừa Thiên-Huế: Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container Cảng Chân Mây

Việc phát triển Cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng là điều kiện tiên quyết phát triển công nghiệp của Thừa Thiên-Huế và khu vực miền Trung trong thời gian tới.
Quang cảnh hội nghị. ()Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 8/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư các hãng tàu container Cảng Chân Mây với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, doanh nghiệp kinh doanh cảng biển, logistics, đơn vị xuất nhập khẩu trong và ngoài tỉnh.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, xu thế phát triển vận tải hàng hóa nội địa và quốc tế hiện nay đang chuyển hướng từ vận chuyển mặt hàng rời sang vận chuyển hàng hóa đóng container do phương thức này có nhiều ưu điểm như giảm chi phí, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật, năng suất lao động tăng...

Việc phát triển Cảng Chân Mây, đặc biệt là thu hút các hãng tàu container làm hàng tại cảng là điều kiện tiên quyết để phát triển công nghiệp của tỉnh Thừa Thiên-Huế và khu vực miền Trung trong thời gian tới.

Hiện Cảng Chân Mây có 3 cầu cảng đang hoạt động với tổng chiều dài khoảng 910m; trong đó, cầu cảng bến số 1, số 2 được tiếp nhận tàu chở container. Sản lượng hàng hóa qua Cảng Chân Mây năm 2022 ước đạt 5 triệu tấn.

Nhằm khuyến khích, thu hút các hãng tàu container và doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập hàng hóa đến làm hàng tại Cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện đang thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng biển này.

[ADB hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên Huế đẩy mạnh phát triển kinh tế số]

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao vai trò, vị trí của Cảng Chân Mây trong vận tải hàng hoá bằng đường biển. Việc hoàn thiện hạ tầng đáp ứng các điều kiện để đưa vào khai thác đón tàu container sẽ góp phần giúp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu rút ngắn thời gian, chi phí vận chuyển hàng hóa.

Bên cạnh những chính sách ưu đãi về thuế, phí đang được thí điểm áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng đơn vị quản lý Cảng Chân Mây cần đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện hệ thống kho bãi, áp dụng hệ thống quản trị cảng biển tiên tiến nhằm thu hút các hãng tàu chở hàng container lớn trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị quản lý Cảng Chân Mây cũng cần đẩy mạnh hợp tác, kết nối với các cảng biển quốc tế để thu hút những hãng tàu hàng lớn nghiên cứu mở tuyến vận chuyển.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng biển Thừa Thiên-Huế được xác định là cảng biển loại I.

Khu bến Chân Mây gồm các bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng, khí, kết hợp tiếp nhận tàu khách quốc tế, phục vụ trực tiếp khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô và khu vực lân cận, kết hợp tiếp chuyển hàng hoá cho nước bạn Lào, Đông Bắc Thái Lan; tiếp nhận tàu hàng trọng tải đến 70.000 tấn, tàu container sức chở đến 4.000 TEU hoặc lớn hơn, tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, Cảng Chân Mây cần tiếp tục kêu gọi đầu tư để hoàn thiện hạ tầng các cầu cảng mới cũng như xây dựng, hình thành trung tâm logistics về kho bãi. Qua đó, nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh để tận dụng lợi thế vị trí của cảng nước sâu này.

Bộ Giao thông Vận tải cũng kêu gọi các doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu hàng hải nghiên cứu mở chuyên tuyến conatiner đến Cảng Chân Mây, mở ra giai đoạn phát triển mới cho cảng biển này, qua đó tối ưu hoá mạng lưới vận tải ven biển của Việt Nam.

Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho một số dự án tiêu biểu.

Cùng ngày, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế khởi công xây dựng công trình Đê chắn sóng Cảng Chân Mây - giai đoạn 2 với quy mô kéo dài đê chắn sóng thêm 300m, hoàn thiện tổng thể chiều dài đê chắn sóng đạt 750m theo quy hoạch.

Dự án có tổng mức đầu tư 757 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2026. Đây là công trình hạ tầng trọng điểm bảo vệ cho các cầu cảng, tăng thời gian khai thác hàng hoá, tăng năng lực cạnh tranh, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển khu bến Chân Mây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục