Thừa Thiên-Huế và WWF hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững

Tỉnh Thừa Thiên-Huế và WWF sẽ tăng cường quản lý, phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động thực vật hoang dã, ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa.

Ngày 18/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Hai bên sẽ tăng cường quản lý, phát triển rừng bền vững; bảo tồn đa dạng sinh học, các loài động thực vật hoang dã, năng lượng bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu; bảo tồn biển và giảm rác thải nhựa.

Hai bên thúc đẩy hệ thống lương thực thực phẩm bền vững; bảo vệ tài nguyên nước và các hệ sinh thái nước ngọt; khởi tạo các giải pháp dựa vào thiên nhiên. Hai bên sẽ nghiên cứu, phát triển Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai trở thành Công viên đầm phá quốc gia có vùng đất ngập nước, một khu dự trữ môi trường sinh quyền có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam sẽ là cơ sở quan trọng để hai bên xây dựng khung hợp tác trong giai đoạn 2025-2030.

Qua đó huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ lâu dài hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

Thời gian qua, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam đã triển khai nhiều dự án đa dạng, góp phần hỗ trợ Thừa Thiên-Huế nâng cao năng lực quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên; nâng cao nhận thức, sinh kế cho cộng đồng bản địa.

Qua đó, giảm thiểu nguy cơ khai thác tài nguyên rừng và săn bắt động vật hoang dã trái pháp luật, từng bước xác định giá trị đa dạng sinh học từ rừng và bảo tồn theo hướng bền vững.

Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” (do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên WWF - Na Uy tài trợ thông qua WWF - Việt Nam) có tác động rất tích cực đến cảnh quan, môi trường của tỉnh và thành phố Huế.

Dự án đã hỗ trợ công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý và đẩy mạnh thu hồi rác tái chế từ bãi chôn lấp; góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân liên quan đến chất thải nhựa.

Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên cũng là cầu nối, kết nối với nhiều tổ chức quốc tế hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế trong quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục