Thừa Thiên-Huế: Ưu tiên hỗ trợ sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.
Toàn cảnh cuộc họp thường kỳ của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. (Nguồn: thuathienhue.gov.vn)

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất, hoàn thành kế hoạch kinh tế-xã hội năm 2020, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị các cấp, các ngành cộng đồng trách nhiệm, tiếp tục tập trung cao độ, nỗ lực hơn nữa nhằm hoàn thành tốt nhất các mục tiêu đề ra.

Theo đó , cần xác định rõ các cơ hội và thách thức để đưa ra các giải pháp tận dụng, chuyển hóa cơ hội và thách thức thành các động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng bền vững.

Tỉnh tập trung kích cầu thu hút khách du lịch, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công Lễ hội Festival Huế 2020; tập trung phát triển du lịch và ưu tiên các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch.

Thừa Thiên-Huế cũng ưu tiên các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh; rà soát lại cơ cấu đầu tư, ưu tiên đầu tư các dự án chuyển tiếp; tập trung hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm; tiếp tục quan tâm hỗ trợ các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn hoạt động ổn định, hiệu quả; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát triển khai thực hiện các dự án; tăng cường công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến các cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã.

Dịch vụ công trực tuyến cũng được đẩy mạnh triển khai trên toàn tỉnh nhằm hướng đến nền hành chính thân thiện, phục vụ, hiện đại, hiệu quả...

Cùng với đó, tỉnh tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Tại buổi họp thường kỳ nhằm đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm 2020 chiều ngày 16/6, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương đánh giá trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, nhất là tác động trực tiếp đến Du lịch, thương mại vận tải, xuất nhập khẩu…

Tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao của các cấp, các ngành, địa phương và các tầng lớp nhân dân, tỉnh vừa tập trung triển khai nghiêm túc, đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 vừa tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội trên tất cả các ngành, lĩnh vực.

Theo cáo cáo từ Sở Kế hoạch và Đầu tư thì tổng sản phẩm trong tỉnh - GRDP (theo giá so sánh 2010) ước đạt 14.595 tỷ đồng, chiếm 43,56% kế hoạch, tăng 0,38% so với cùng kỳ; đạt ở mức trung bình so với các tỉnh thành trong vùng duyên hải miền Trung.

[Thừa Thiên-Huế nỗ lực phục hồi, kích cầu du lịch trong năm 2020-2021]

Ngay từ đầu năm, đặc biệt khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã quyết liệt, thắt chặt quản lý các biện pháp thu, tiết kiệm trong chi thường xuyên.

Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.512 tỷ đồng, bằng 46% dự toán và giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước; chi 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.847,3 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, trong đó chi đầu tư 952,6 tỷ đồng, đạt 22,4% dự toán, chi thường xuyên 2.668,2 tỷ đồng, đạt 39,5% dự toán.

Tỉnh đã hỗ trợ chi trả phòng, chống dịch COVID-19 với số tiền 217,15 tỷ đồng, trong đó chi trả 44,15 tỷ đồng theo Nghị quyết số 37/NQ-CP của Chính phủ về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch và tạm ứng ngân sách tỉnh 173 tỷ đồng để chi trả cho các đối tượng người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ.

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hầu hết các hoạt động du lịch trên địa bàn đều bị ngừng, đóng cửa các điểm tham quan di tích (từ tháng 2-4/2020).

Lượng khách 6 tháng ước đạt khoảng 1.136,6 nghìn lượt, giảm 45,4% so với cùng kỳ. Khách lưu trú ước đạt 554,7 lượt, giảm 48,1%; trong đó, khách quốc tế 240,2 lượt; giảm 43,81%.

Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 2.478,9 tỷ đồng, giảm 41,2%; trong đó doanh thu doanh nghiệp du lịch 1.120 tỷ đồng, giảm 47%.

Trước tình hình đó, để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án Phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2020-2021) và ban hành Kế hoạch Triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phục hồi, kích cầu phát triển du lịch Thừa Thiên Huế năm 2020...

6 tháng đầu năm 2020 , chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn tỉnh ước tăng 3,05% so với cùng kỳ (thấp hơn mức tăng cùng kỳ là 9,74%, kế hoạch cả năm là 10%), trong đó công nghiệp khai khoáng ước tăng 8,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 4,45%; sản xuất và phân phối điện, nước đá ước giảm 15%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,98%.

Tình hình thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được quan tâm chỉ đạo, đã cấp quyết định chủ trương đầu tư 11 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký khoảng 3.800 tỷ đồng, trong đó có 4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với vốn đăng ký 270 tỷ đồng (11,41 triệu USD).

Đặc biệt có 2 dự án lớn là dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô Bách Việt với mức đầu tư 2.655 tỷ đồng; Dự án vận tải hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) vốn đầu tư 700 tỷ đồng dự kiến đầu năm 2021 sẽ đưa máy bay vào cất cánh thương mại.

Tỉnh đã điều chỉnh 16 dự án, trong đó 07 dự án giãn tiến độ, 03 dự án tăng vốn với vốn tăng thêm 184 tỷ đồng. Thu hồi 01 dự án đầu tư xây dưng Chợ đầu mối Phú Hậu.

Tại hội nghị, các thành viên Ủy ban Nhân dân tỉnh tập trung thảo luận, chỉ ra các mặt còn hạn chế cần sớm khắc phục để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Các ý kiến cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng COVID-19 tác động đến việc phát triển các ngành, lĩnh vực của tỉnh thì vẫn còn một số tồn tại như chất lượng tham mưu trong công tác xúc tiến đầu tư, quản lý giám sát trong xây dựng, đất đai, đầu tư chưa cao đã làm ảnh đến hiệu quả đầu tư và thu hút đầu tư các dự án ngoài ngân sách.

Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, chậm triển khai các các quy hoạch phân khu... Việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến ở cấp huyện, cấp xã chưa đạt hiệu quả, đặc biệt hạn chế về cơ sở vật chất và điều kiện làm việc tại bộ phận một cửa ở cấp xã vẫn chưa được khắc phục./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục