Thừa Thiên-Huế trồng mới 4.500ha rừng bằng nuôi cấy mô

Mỗi năm, Thừa Thiên-Huế trồng mới từ 4.500-5.00ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt gần 56,7% so với diện tích đất tự nhiên và được đánh giá là nơi có tỷ lệ độ che phủ rừng cao hơn so với nhiều tỉnh.
Thừa Thiên-Huế trồng mới 4.500ha rừng bằng nuôi cấy mô ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Quang Quyết/TTXVN)

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, mỗi năm tỉnh này trồng mới từ 4.500-5.00ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt gần 56,7% so với diện tích đất tự nhiên và được đánh giá là địa phương có tỷ lệ độ che phủ rừng cao hơn so với nhiều nơi trong cả nước.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết giống là vấn đề then chốt quyết định đến chất lượng và năng suất rừng trồng. Nơi nào công tác quản lý giống tốt thì nơi đó có năng suất và chất lượng rừng trồng tăng cao.

Để phục vụ cho việc trồng rừng, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có 56 nguồn giống lâm nghiệp với tổng diện tích gần 45ha; trong đó chủ yếu bằng các hình thức nhân giống truyền thống như gieo hạt, vườn cung cấp hom và nhân giống hữu tính... Các nguồn giống đã và đang được sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn cung cấp chất lượng tốt để sản xuất cây con trồng rừng, đáp ứng nhu cầu trồng rừng ngày càng cao của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Trọng, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế, gần đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước một thành viên Lâm nghiệp Tiền Phong đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực giống cây trồng lâm nghiệp, sản xuất cây con bằng phương pháp nuôi cấy mô thay thế lai hom trên cây keo lai. Đối với cây keo lai, rừng trồng từ keo lai hom thường có tuổi thọ 6-7 năm, sau thời gian này cây có hiện tượng rỗng ruột, ra hoa, cây bị nấm bệnh. Điều này đã được khắc phục bằng biện pháp nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô cây keo lai. Ưu điểm của nuôi cấy mô keo lai là tái tạo được sự non trẻ (hay làm trẻ hóa những cây thân gỗ). Giống keo lai được sản xuất từ phương pháp nuôi cấy mô đỉnh sinh trưởng có sức sống cao, có ưu thế hơn trong sản xuất gỗ lớn, tuổi thọ keo lai mô kéo dài đến hơn 10 năm.

Đến nay, cây giống được sản xuất bằng phương pháp này được các đơn vị trồng rừng, người dân ưa chuộng vì chất lượng cây trồng đảm bảo, ít bị gãy đổ do gió bão. Mặt khác, nếu những năm trước đây, năng suất gỗ rừng trồng chỉ đạt khoảng 50-60m3/ha, thì hiện nay do nguồn giống được cải thiện, chất lượng tốt nên năng suất đạt từ 100-120 m3/ha, tăng gấp hai lần.

Trồng rừng ở Thừa Thiên-Huế trong những năm gần đây phát triển mạnh nhờ tìm ra được bộ giống cây trồng thích hợp như keo lai, tràm hoa vàng, các loại phi lao, thông nhựa, sao, quế, dó bầu và một số cây bản địa khác.

Thị xã Hương Thủy hiện có hơn 26.000ha rừng, trong đó hơn 12.000ha rừng trồng, đa số bà con tập trung trồng cây keo lai vì đây là loại cây sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và cho thu nhập cao. Cây keo lai trồng sau bốn năm có thể thu hoạch, đạt khoảng 50 tấn/ha, doanh thu từ 60-65 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng. Cây keo lai không chỉ cải thiện kinh tế cho những hộ gia đình có diện tích trồng rừng mà còn giải quyết công việc làm cho lao động tại chỗ như thu hoạch cây và bóc vỏ cây với thu nhập 150.000-180.000 đồng/ngày công lao động.

Theo quy hoạch, tỉnh Thừa Thiên-Huế đặt mục tiêu đến năm 2015 đạt tỷ lệ độ che phủ rừng đến hơn 58% và đến năm 2020 đạt gần 61%. Cơ cấu ba loại rừng đến năm 2020 sẽ là rừng đặc dụng chiếm tỷ lệ trên 26%; rừng phòng hộ chiếm hơn 30% và rừng sản xuất (dạng trồng rừng kinh tế) chiếm tỷ lệ gần 44%. Vì vậy, việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân rộng mô hình sản xuất cây con phục vụ cho việc trồng rừng bằng phương pháp nuôi cấy mô ở Thừa Thiên-Huế hiện nay là hết sức cần thiết.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục