Thừa Thiên-Huế: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hội thảo Khoa học Quốc gia về rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi..., tổ chức sáng 6/9, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Thừa Thiên-Huế: Thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sáng 6/9, tại thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế, Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia khu vực miền Trung-Tây Nguyên với chủ đề "Rà soát, xác định vấn đề xã hội cấp thiết với phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi; khuyến nghị, đề xuất nội dung, giải pháp vận động, hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số giai đoạn tiếp theo."

Hội thảo thu hút trên 80 đại biểu tham gia thảo luận, làm rõ nhiều vấn đề cấp thiết hiện nay (y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hôn nhân gia đình, thu nhập việc làm) ở từng địa phương và phổ biến chung của khu vực miền Trung-Tây Nguyên; đồng thời đề xuất giải pháp, xem xét mức độ phù hợp của các mô hình, hoạt động của Dự án 8 hiện nay.

Ban Tổ chức nhận được 70 bài viết từ các đại biểu và chọn ra 39 bài viết để biên tập, đăng trong kỷ yếu hội thảo. Trong đó, nhiều bài viết có giá trị khoa học cao và phân tích đầy đủ, khách quan các vấn đề thực tiễn có liên quan đến phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi.

Kết quả hội thảo là cơ sở để Ban điều hành Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả phụ nữ, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết sau 3 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu cốt lõi đã đạt và vượt so với kế hoạch đặt ra trong giai đoạn 2021-2025 như củng cố, thành lập mới Địa chỉ tin cậy cộng đồng; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị... Từ đó góp phần cải thiện rõ rệt nhận thức và hành động của các cấp, ngành liên quan cũng như người dân tại các vùng dự án.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải quyết như việc làm, sinh kế, định hướng nghề nghiệp cho phụ nữ, trẻ em gái, nhất là nhóm phụ nữ khuyết tật, nghèo; chăm sóc sức khỏe, làm mẹ an toàn và tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng; kết hôn xuyên biên giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Song song việc nhận diện các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số, vùng núi, hội thảo tập trung ghi nhận các đề xuất nhiệm vụ, giải pháp can thiệp hiệu quả của Dự án 8 thời gian tới, góp phần thúc đẩy hơn nữa vấn đề bình đẳng giới.

Tài liệu hội thảo cũng là nguồn tư liệu quý để các ban, đơn vị Trung ương Hội và Hội Liên hiệp Phụ nữ các địa phương tham khảo, tổ chức các hoạt động đáp ứng nhu cầu của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Học viện Phụ nữ Việt Nam có thêm nhiều thông tin phục vụ nhiệm vụ là đầu mối tổ chức, giám sát, đánh giá Dự án 8 và thực hiện bình đẳng giới.

Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” là một trong 10 dự án thành phần thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 (2021-2025).

Sau gần 3 năm triển khai, Dự án 8 đã đạt được những kết quả tích cực với 40 tỉnh, thành phố đã được cấp ngân sách và ban hành kế hoạch thực hiện. Các hoạt động của dự án tập trung vào việc tuyên truyền, vận động thay đổi định kiến giới, xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, đào tạo và trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ chính trị, cộng đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục