Thừa Thiên-Huế: Thả cá thể voọc chà vá chân nâu về Vườn QG Bạch Mã

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, cơ quan chức năng vừa thả một cá thể voọc chà vá chân nâu về Vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, sau khi phát hiện cá này ở khu nghỉ dưỡng ven biển.
Cá thể Voọc chà vá chân nâu được thả về Vườn quốc gia Bạch Mã. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 9/9, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết cơ quan chức năng của địa phương vừa thả một cá thể voọc chà vá chân nâu về Vườn quốc gia Bạch Mã, huyện Phú Lộc, sau khi phát hiện cá thể này thường xuyên xuất hiện ở khu nghỉ dưỡng ven biển.

Trước đó, tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô, huyện Phú Lộc, có một cá thể voọc chá vá chân nâu thường xuyên xuất hiện. Sau khi nhận được thông tin, từ ngày 7-8/9, Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu Cảng Chân Mây, Bộ phận giám sát an ninh-Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô khảo sát hiện trường, lựa chọn phương pháp phù hợp để bắt giữ nhằm di chuyển cá thể voọc này ra khỏi khu vực khu nghỉ dưỡng.

Những người tham gia đã dùng thức ăn dẫn dụ và bẫy được cá thể voọc chà vá chân nâu trong tình trạng sức khỏe tốt, không bị xây xát hay có bất kỳ vết thương nào. Đây là cá thể đực, nặng khoảng 12kg.

[Thừa Thiên-Huế: Thả chim Hồng Hoàng có tên trong sách đỏ về rừng ]

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc Vườn quốc gia Bạch Mã cho biết, nhiều khả năng cá thể voọc chà vá chân nâu này sinh sống theo bầy đàn ở khu vực rừng phòng hộ Bắc Hải Vân. Vì một lý do nào đó đã tách đàn đi xuống khu vực rừng trồng và rừng tự nhiên trong Khu nghỉ dưỡng phức hợp Laguna Lăng Cô.

Để đảm bảo an toàn cho cá thể voọc này, cơ quan chức năng đã quyết định thả cá thể voọc ở Vườn quốc gia Bạch Mã, nơi đang có khoảng 6 đàn voọc chà vá chân nâu sinh sống. Cán bộ của Vườn quốc gia Bạch Mã sẽ tiếp tục theo dõi khả năng hòa nhập, thích nghi của con voọc này.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, voọc chà vá chân nâu có tên khoa học Pygathrix neumaeus, thuộc bộ linh trưởng Primates - là một loài nằm trong nhóm IB - danh mục thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Đây cũng là loài động vật thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục