Thừa Thiên-Huế: Mở rộng diện tích khai quật khảo cổ Tháp đôi Liễu Cốc

UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế vừa đồng ý chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc nhằm xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích.

Hiện trường khảo cổ. (Ảnh: TTXVN phát)
Hiện trường khảo cổ. (Ảnh: TTXVN phát)

Chiều 3/7, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên-Huế thông tin Ủy ban Nhân dân tỉnh đã có văn bản đồng ý thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc, tổ dân phố Bàu Tháp, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà.

Việc mở rộng diện tích khai quật khảo cổ nhằm xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế giao cho Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện các thủ tục xin phép Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo theo quy định. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đề nghị, Ủy ban Nhân dân thị xã Hương Trà nghiên cứu, có phương án bảo vệ bền vững di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tháp đôi Liễu Cốc phục vụ khai thác du lịch, phát triển kinh tế.

Trước đó, từ cuối tháng Tư đến đầu tháng Sáu vừa qua, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành thăm dò, khai quật tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Với diện tích hơn 80m2 thăm dò và khai quật, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc, xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao, đường đi nội bộ trong di tích.

Trong quá trình khai quật thu được một khối lượng di vật, gồm 4.807 tiêu bản; trong đó, tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đây là hiện vật quý, chắc chắn sau khi được nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị.

Bước đầu, đoàn khảo cổ tạm xếp niên đại xây dựng tháp Bắc Liễu Cốc vào giai đoạn cuối thế kỷ IX, tương ứng với niên đại của Tháp Mỹ Sơn C2 nằm trong giai đoạn đầu của phong cách nghệ thuật Đồng Dương.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế 11km về phía Bắc, Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng.

Năm 1926, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ; năm 1994, di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ký quyết định xếp hạng Di tích kiến trúc-nghệ thuật cấp Quốc gia (Quyết định số 921/QĐ/BT ngày 20/7/1994)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục